TIN TỨC

TECHNODE GLOBAL – Hội thảo VinFuture: Công nghệ sinh thiết lỏng siêu nhanh nhạy – Cách mạng trong chẩn đoán sớm ung thư

11 Th8 2022
TECHNODE GLOBAL – Hội thảo VinFuture: Công nghệ sinh thiết lỏng siêu nhanh nhạy – Cách mạng trong chẩn đoán sớm ung thư

Bệnh ung thư vẫn là một trong những kẻ thù lớn nhất đối với sức khỏe của chúng ta trong thế kỷ 21. Theo các nhà khoa học, ung thư sẽ sớm vượt qua bệnh tim mạch để trở thành nguyên nhân gây tử vong số một. Y học chính xác đang được kỳ vọng giải quyết có thể giúp chẩn đoán sớm ung thư, giúp bệnh nhân thoát khỏi cửa tử.

Y học chính xác sẽ giúp chẩn đoán ung thư với chi phí thấp

Công nghệ mới giúp chẩn đoán ung thư chính xác, đơn giản và nhanh chóng với mức chi phí thấp cũng là nội dung chính của hội thảo trực tuyến InnovaTalk số 2 với chủ đề “Chẩn đoán Ung thư chính xác” với sự tham gia của hơn 300 khán giả từ nhiều quốc gia, châu lục khác nhau. Thiết bị sinh thiết lỏng siêu nhanh nhạy được GS. Brian T. Cunningham (Đại học Illinois Urbana-Champaign, viết tắt: UIUC, Mỹ) tiết lộ tại Hội thảo trực tuyến InnovaTalk số 2, do Quỹ VinFuture vừa tổ chức, được kỳ vọng sẽ mở ra kỷ nguyên mới trong phát hiện sớm ung thư.

Trước thực trạng rất nhiều bệnh nhân không đáp ứng được với những liệu pháp điều trị dù là tân tiến nhất, công nghệ chẩn đoán chính xác và điều chỉnh trị liệu theo từng ca bệnh là hướng đi của tương lai, cho phép chữa khỏi nhiều dạng bệnh ung thư hơn.

Hiện nay, phương pháp phát hiện ung thư phổ biến nhất là sinh thiết khối u, còn gọi là sinh thiết mô. Việc phẫu thuật lấy mẫu mô từ khối u để xét nghiệm dẫn đến nhiều rủi ro và đau đớn cho người bệnh. Tuy nhiên, thông qua việc phân tích các bộ gene ung thư và khối u ở các giai đoạn khác nhau, GS. Cunningham cùng các cộng sự đã tìm ra mô hình xét nghiệm ung thư dựa trên việc phát hiện một cách chính xác các dấu ấn sinh học đặc hiệu cho từng loại ung thư cũng như từng giai đoạn.

Cụ thể, các dấu ấn sinh học đặc hiệu được sử dụng là các phân tử miARN, ctARN, ctADN, hoặc các loại ADN, ARN và protein khác có trong máu, được giải phóng từ tế bào ung thư đang tồn tại hoặc đã bị hoại tử trong cơ thể. Quy trình xét nghiệm máu lấy từ ngón tay hoặc tĩnh mạch được phát triển giúp phát hiện và đếm các phân tử này, nhằm tìm ra các đột biến có liên hệ trực tiếp tới sự phát triển và tình trạng của khối u. Đặc biệt, những phân tử đột biến này có thể được phát hiện ngay cả ở những người bệnh ung thư chưa có triệu chứng thể hiện ra bên ngoài. Đây cũng là nguyên lý ra đời của phương pháp sinh thiết lỏng.

Theo GS. Cunningham, sinh thiết lỏng là mô hình chẩn đoán sớm ung thư đơn giản, nhanh gọn và giá rẻ cho phép các bác sỹ thực hiện định kỳ để kịp thời phát hiện, phác thảo hướng điều trị và chẩn đoán hiệu quả cũng như theo dõi tái phát nếu có. Dựa trên mô hình này, các nhà khoa học đã phát triển và tạo ra thiết bị xét nghiệm chẩn đoán tại chỗ không xâm lấn. Thiết bị này có thể phát hiện các phân tử ADN, ARN và protein đột biến trực tiếp từ huyết thanh người, nhanh chóng đưa ra kết quả xét nghiệm chính xác chỉ trong 1 phút, với một bước xét nghiệm trong môi trường lâm sàng.

“Về cơ bản, phân tử có thể được đo lường theo định lượng, và nếu đo lường chúng ở nồng độ rất thấp, chúng ta có thể thấy sự chuyển đổi từ sinh lý bình thường sang tình trạng ung thư, thấy được sự phát triển của các đột biến và cách chúng tiến triển trong suốt thời gian mắc ung thư. Những thông tin này có thể được sử dụng để định hướng điều trị và theo dõi tái phát”, vị Giáo sư từ UIUC phân tích.

Công nghệ tiềm năng trong tương lai

“Với tôi, mỗi sinh mạng đáng giá cả một cuộc đời, vậy nên những người làm nghề như chúng tôi luôn muốn bảo vệ cho càng nhiều cuộc đời càng tốt và cứu thêm những mạng người bằng việc làm nghiên cứu”, GS. Đặng Văn Chí – Chủ tọa Hội thảo InnovaTalk số 2 nêu vấn đề.

Giáo sư Chí cũng là Giám đốc Khoa học Viện Nghiên cứu Ung thư Ludwig, thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture, với nhiều năm nghiên cứu về sự phát triển của điều trị ung thư, cũng đặc biệt quan tâm tới các công nghệ mang tính cách mạng như sinh thiết lỏng để chinh phục căn bệnh vốn được coi là “vô phương cứu chữa” và thực hiện sứ mệnh cứu người cao cả.

Trả lời câu hỏi của GS. Đặng Văn Chí về tương lai của công nghệ này, GS. Cunningham nhận định đó sẽ là một chặng đường dài phía trước. Bắt đầu từ một công nghệ hoạt động thành công trong phòng thí nghiệm, bước tiếp theo là tạo ra các bản sao của thiết bị để đưa đến các phòng thí nghiệm ở nhiều trường đại học khác và tập huấn cho họ cách thực hiện xét nghiệm. Cùng lúc đó, phải huy động được các nguồn tài chính và tài trợ để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu lâm sàng, cùng với các chương trình hợp tác nghiên cứu để chứng minh uy tín của công nghệ.

“Dù nghiên cứu cho thấy các kết quả rất tích cực nhưng công nghệ này vẫn cần được tham chiếu với các kỹ thuật đạt tiêu chuẩn vàng khác, ví dụ như PCR chẳng hạn”, ông nói.

Vị giáo sư cũng cho biết, nhiều dự án khác nhau sẽ được tiến hành để dần dần mở rộng quy mô hoạt động của công nghệ ra nhiều dạng bệnh ung thư hơn nữa và kế hoạch dài hạn là những cuộc đối thoại với các nhà đầu tư, tìm nguồn vốn, lựa chọn đối tác thương mại hóa hay thành lập công ty.

“Thử thách lớn nhất lúc này vẫn là làm sao để công nghệ chẩn đoán ung thư chính xác này được chứng minh hoàn toàn, được cơ quan có thẩm quyền phê chuẩn và được áp dụng chính thức trong lâm sàng”, GS. Cunningham kỳ vọng.

Chuỗi hội thảo trực tuyến InnovaTalk do Quỹ VinFuture tổ chức, bao gồm 06 hội thảo miễn phí, được khởi động từ cuối tháng 6 và sẽ kéo dài đến hết tháng 11/2022. Mỗi chương trình được dẫn dắt bởi chủ tọa là một nhà khoa học thành viên các hội đồng hoặc chủ nhân Giải thưởng VinFuture. Các diễn giả khách mời là các nhà khoa học hàng đầu thế giới trong nhiều lĩnh vực công nghệ cao, các giáo sư đến từ các trường đại học và viện nghiên cứu nổi tiếng toàn cầu.

Thông qua hội thảo, VinFuture sẽ đóng vai trò cầu nối giúp hơn 2.000 khán giả tiếp cận khoa học và giao lưu, trò chuyện với các nhà khoa học, học giả về các vấn đề bức thiết trên thế giới; đồng thời khắc họa được vai trò và những đóng góp của cộng đồng khoa học – công nghệ Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

*******

Giáo sư Brian T. Cunningham (Đại học Illinois Urbana-Champaige, Mỹ) vốn theo học chuyên ngành Kỹ thuật điện và Máy tính từ những năm 1980, nhưng chỉ sau khoảng một thập kỷ, GS. Cunningham đã sớm bị cuốn hút bởi lĩnh vực Khoa học Sức khỏe. Ông luôn trăn trở làm sao có thể phát triển được phương thức chẩn đoán ung thư chính xác và nhạy bén nhất, giúp các bác sĩ phát hiện ra bệnh ở giai đoạn rất sớm và cung cấp được liệu pháp điều trị giúp chữa khỏi bệnh, tăng khả năng sống sót và giảm ảnh hưởng của tác dụng phụ lên bệnh nhân.

Theo vị Giáo sư hiện đang đảm nhiệm chức vụ Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán Mầm bệnh của UIUC (UIUC hiện đứng thứ 48 toàn cầu theo xếp hạng của Times Higher Education 2022), sự phát triển của công nghệ sinh thiết lỏng siêu nhanh nhạy là một minh chứng cho thấy vai trò quan trọng của Y học chính xác đối với chẩn đoán ung thư.

Đọc bản gốc của bài viết tại : VinFuture InnovaTalk Webinar: The development of the ultrasensitive and fast liquid biopsy – A revolution in cancer measurement at the point of care – TechNode Global


ĐĂNG KÝ
NHẬN BẢN TIN


    Khi lựa chọn ô này, bạn cho phép chúng tôi gửi bản tin định kỳ và xử lý dữ liệu của bạn theo chính sách quyền riêng tư này. Bạn có thể gỡ đăng ký nhận bản tin bất kỳ lúc nào.