Dr. Katalin Karikó – Câu chuyện làm khoa học từ số 0 tới vinh quang

Hà Nội, ngày 28/4/2021 – “Thành công với tôi là cả 1 quá trình, là những thập kỉ qua, tôi được nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, vắt óc để giải quyết những vấn đề, vui thích, hào hứng với tất cả những gì mình tìm ra, mình khám phá được. Đó là hạnh phúc!”

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
Picture1-1

Chia sẻ

Tiến sĩ Kariko cùng cộng sự là Giáo sư Weissman và Giáo sư Cullis đã trở thành những Chủ nhân giải thưởng Chính trị giá 3 triệu Đô la Mỹ tới từ Quỹ VinFuture vào tối 21/1/2022. Nhóm các nhà khoa học được vinh danh với công trình phát triển công nghệ mRNA, nền tảng của vaccine COVID-19 đã giúp thế giới đối mặt với dịch bệnh và có thể nhanh chóng thích ứng với “Trạng thái bình thường mới”. Sức ảnh hưởng của công trình nghiên cứu khoa học này đã được chứng minh với hơn 150 quốc gia đã được hưởng lợi nhờ vaccine mRNA.

Người phụ nữ đứng sau công nghệ này là Tiến sĩ Katalin Karikó, hiện đang công tác tại Công ty Dược phẩm BioNTech (Đức) và Trường Y khoa Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, Hoa Kỳ. Con đường đến với thành công trong hiện tại của Tiến sĩ Karikó là hành trình của đam mê, của niềm hạnh phúc và cả những gian khổ khi làm khoa học, đặc biệt khi dưới cương vị là một nhà khoa học nữ. Giờ đây, khi đã được cả thế giới biết đến, nhưng với bà, niềm hạnh phúc chỉ đơn giản là được làm công việc của 1 Nhà khoa học, cố gắng đi tìm từng mảnh ghép bí mật của cuộc sống và ghép chúng lại với nhau, để đưa ra giải pháp cho một vấn đề nan giải, hi vọng rằng một ngày gần nhất, ai đó sẽ được hưởng lợi từ những nghiên cứu tâm huyết của mình.

Chinh phục hàng loạt những giải thưởng KHCN hàng đầu thế giới như Breakthrough Prize, Japan Prize,… và là chủ nhân giải thưởng mùa đầu tiên VinFuture Prize vào năm 2021, cái tên Katalin Karikó được coi là hiện thân của sự thành công và tài năng kiệt xuất. Nhưng nhiều chục năm trước khi Covid xuất hiện, hai chữ “thành công” vốn không có mặt trong từ điển của bà. Nếu bạn cho rằng mỗi nhà khoa học vĩ đại phải khởi đầu từ một thiên tài, hãy lắng nghe câu chuyện của Tiến sĩ Karikó – người phụ nữ đã bắt đầu hành trình làm khoa học của mình từ con số 0.

(Dr. Katalin Karikó chia sẻ câu chuyện cảm hứng của bà trong buổi Giao Lưu Cùng Chủ Nhân Giải Thưởng VinFuture)
Những “người thầy” truyền cảm hứng cho một ước mơ

Tua ngược thời gian về lại hơn 50 năm trước, cô bé Karikó đã sớm có niềm đam mê khám phá, tìm tòi. Karikó hồi tưởng về ký ức tuổi thơ là những ngày giản dị sống trong ngôi nhà nhỏ với chị gái và cha mẹ, người làm nghề bán thịt, người làm thủ thư, không ai học hết phổ thông. Sống trong 1 căn nhà bao quanh bởi những con vật nuôi, mỗi ngày ngắm con gà con được nở ra từ quả trứng, hay đàn chim bay đi di cư và trở về vườn nhà vào mỗi mùa xuân, chính những ký ức nhỏ bé ấy là sự bắt đầu cho niềm đam mê muốn tìm hiểu tường tận thế giới tri thức sau này.

Tại trường học, những người thầy là một nguồn cảm hứng rất quan trọng đối với Tiến sĩ Karikó. Bà vẫn nhớ như in hình ảnh về người thầy Sinh Học luôn nhiệt huyết và tràn đầy năng lượng, người luôn đặt những câu hỏi để kích thích trí tò mò của học sinh, người đã góp phần khơi gợi niềm đam mê nghiên cứu và theo đuổi khoa học sau này của nữ Tiến sĩ.

Khoa học – Chặng đường của chông gai và những thất bại

“Năm 16 tuổi, lũ trẻ chúng tôi được hỏi mình muốn là ai trong tương lai, tôi đã nói sẽ trở thành 1 nhà khoa học. Hồi đó ở thị trấn tôi sống, 10 ngàn người chẳng có lấy 1 người làm Khoa học, và thưc ra tôi cũng không chắc lắm thế nào mới thực sự là 1 nhà khoa học, cứ ước đơn giản thế thôi

Bắt đầu đi lên từ một cô sinh viên đến từ một thị trấn nhỏ, tiếng anh không biết, phòng thí nghiệm cũng chưa một lần đặt chân vào, nhưng đó là động lực lớn buộc cô phải cố gắng bắt kịp các bạn đồng môn và tiến về phía trước, thay vì chừa cho mình một đường lùi.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Tiến sĩ Kariko thường xuyên phải đối mặt với thất bại và những lời từ chối. Con đường tới với công nghệ mRNA của Tiến sĩ Karikó cũng vậy, đó là thành công không thể có được sau một đêm, mà là một hành trình dài cùng sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cả đội ngũ. Công sức của bà và cộng sự trong suốt 3 thập kỷ nhằm khai thác sức mạnh của mRNA để chống lại bệnh tật đã từng bị coi là viển vông, nhưng Tiến sĩ Karikó chưa bao giờ có ý định từ bỏ.

Trong nhiều năm liền, sự nghiệp của bà ở Đại học Pennsylvania rất bấp bênh. Tiến sĩ Karikó luân chuyển từ phòng thí nghiệm này tới phòng thí nghiệm khác và chưa bao giờ được trả hơn 60.000 USD/năm.

“Lần cuối tôi bị từ chối mới là cách đây chưa đầy mười năm. Tôi bị kết thúc hợp đồng ở Hungary vì họ hết ngân sách không tài trợ được nữa, rồi tôi chuyển đến Temple University, Philadelphia. Sau đó tôi sang trường Đại học Pennsylvania, làm cho văn phòng khoa, rồi tôi bị cho giáng cấp, lại trở về đời nghiên cứu. Đời tôi về cơ bản là thê lương kiểu vậy.”

(Tiến sĩ Katalin Karikó phát biểu trong buổi lễ trao giải ngày 20/01/2021. Bên cạnh bà là Giáo sư Pieter Cullis và Giáo sư Drew Weissman, đồng chủ nhận Giải thưởng Chính VinFuture 2021)

Nghiên cứu khoa học là một chặng đường dài và khó đoán định, nữ tiến sĩ cho rằng chúng ta không thể chỉ hoàn thành một vài thí nghiệm đầu tiên suôn sẻ, tự gọi mình là nhà khoa học và rồi vẽ ra viễn cảnh vài chục năm nữa với một công trình khoa học để đời.

Nhưng cũng đừng vì thế mà đánh mất đi sự tự tin cần có với những gì mình đang theo đuổi. Công trình nghiên cứu mà một nhà khoa học trẻ đang ấp ủ ngày hôm nay, rất có thể sẽ trở thành một khám phá khoa học vĩ đại một ngày nào đó không báo trước, đem đến sự đổi thay cho cuộc sống của hàng nghìn, hàng triệu người trên Trái đất này, như cái cách Công nghệ mRNA đã được hình thành, được công nhận và vinh danh trên toàn thế giới. Bởi lẽ, khoa học đỉnh cao và chân chính có thể tới từ bất kỳ đâu, bất kỳ ai, không phân biệt màu da, địa vị, quốc gia hay hoàn cảnh.

“Chẳng ai quan tâm đến giá trị vật chất, chúng tôi chỉ nghĩ đến 1 sản phẩm hoạt động tốt, đó là niềm hạnh phúc. Tham gia thêm mấy hội thảo, có mấy bài báo được đăng, CV dày hơn bao nhiêu, đó là những điều tôi không quan tâm.”

– Tiến sĩ Karikó nói.

Đối với các nhà khoa học, họ thường thiếu đi cơ hội được nhìn thấy những phát minh, những khám phá của mình thành công, bởi con đường từ phòng thí nghiệm tới quá trình nhân rộng và sản xuất của một công trình khoa học thường mất rất nhiều năm. Thậm chí có vô vàn nhà khoa học đã quá già, hay thậm chí đã mất khi chưa kịp chứng kiến những nỗ lực của mình được công nhận và biết tới. Do đó, đối với Tiến sĩ Karikó, có thể nhìn thấy công nghệ mRNA được nhân rộng và phổ biến khắp thế giới là niềm hạnh phúc lớn lao.

(Tiến sĩ Katalin Karikó nhận món quà đặc biệt từ người bạn Việt Nam học cùng đại học tại Hungary)

“Phụ nữ không nên bị bắt đứng giữa những lựa chọn: gia đình con cái hay sự nghiệp”

Năm 27 tuổi đánh dấu cột mốc quan trọng trong cuộc đời Tiến sĩ Kariko – trở thành một người mẹ. Theo bà, các nhà khoa học nữ luôn ở thế “tiến thoái lưỡng nan”, khi vừa phải cố gắng hết sức để trở thành một người mẹ, người vợ thật tốt, vừa phải đảm bảo việc đó không gây cản trở cho công tác nghiên cứu.

Tiến sĩ Karikó tin rằng phụ nữ không nên bị bắt đứng giữa hai lựa chọn: sự nghiệp và gia đình. Bà cho rằng, nếu như một người phụ nữ tìm được bạn đời phù hợp với mình, đó sẽ là động lực để họ có thể thỏa sức tập trung với đam mê. Với nữ Tiến sĩ, đam mê đó là nghiên cứu và tiếp tục đưa ra các phát minh khoa học với mục tiêu phụng sự con người trong tương lai.

“Không vì lý do gì mà phụ nữ lại cần hi sinh để phục vụ một ai đó. Chồng tôi thấu hiểu và tôn trọng những điều là quan trọng với tôi, và hỗ trợ tôi như cách tôi hỗ trợ anh ấy. Bỏ hết mọi thứ xuống để đặt ai đó lên trước mình, hoặc bỏ cả sự nghiệp để ưu tiên cho con cái không phải lý do để bỏ cuộc”

Tiến sĩ Karikó chia sẻ.

Đến nay, Tiến sĩ Katalin Karikó đang duy trì một cuộc sống cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình. Bà vừa là Phó chủ tịch cấp cao của BioNTech, là Giáo sư thỉnh giảng về Phẫu thuật Thần Kinh tại đại học Pennsylvania, vừa là mẹ của Susan Francia – vận động viên tài năng đã hai lần giành huy chương vàng Thế vận hội Olympics, và là người phụ nữ hạnh phúc trong cuộc hôn nhân nay đã được 37 năm.

(Tiến sĩ Katalin Karikó chia sẻ trong Tuần lễ Khoa học của Giải thưởng VinFuture 2021).
Khoa học cho Tất cả

“Nhận giải thưởng VinFuture, tôi muốn đại diện cho những nhà khoa học là người nhập cư với cuộc sống khó khăn những vẫn vươn lên, cho những người phụ nữ luôn chăm chỉ và cố gắng. Tôi từng nhiều lần thất bại, và cũng nhiều lần đứng lên làm lại từ đầu. Năm tới Đức tôi 58 tuổi, năm này thì tròn 67 tuổi rồi, và tôi vẫn định tiếp tục làm việc chăm chỉ hơn nữa.”

Chính từ những thành quả nghiên cứu quan trọng của Tiến sĩ Karikó và cộng sự, tối ngày 21/1/2022, tại Lễ Trao Giải VinFuture, những người anh hùng trong cuộc chiến chống lại đại dịch đã trở thành Chủ nhân của Giải thường Chính VinFuture danh giá trị giá Ba triệu Đô la Mỹ. Giải thưởng là sự công nhận xứng đáng cho những đóng góp của các nhà khoa học trong lĩnh vực Khoa học sức khỏe toàn cầu. Câu chuyện cuộc đời và công trình nghiên cứu của Tiến sĩ Karikó đã giúp chúng ta củng cố thêm niềm tin vào cơ hội với khoa học dành cho tất cả.

Khoa học và tri thức của loài người không bao giờ có điểm kết thúc, và thú vị thay, cũng không bao giờ có chung một điểm khởi đầu. Nhưng tất cả những nhà khoa học chân chính trên thế giới, họ đều cùng theo đuổi chung một sứ mệnh: đó là sứ mệnh của khoa học phụng sự loài người, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Cổng nhận đề cử năm 2022: https://online.vinfutureprize.org/nomination

Để biết thêm thông tin chi tiết về Giải thưởng:

Danh sách những Chủ nhân Giải thưởng VinFuture năm đầu tiên đã được công bố tại Lễ Trao Giải ngày 20 tháng 1 năm 2022. Thông tin về các phát minh được trao giải có thể tham khảo tại đây: https://vinfutureprize.org/vi/nguoi-dat-giai/

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm