Giáo Sư Mônica Cotta: Hãy Không Ngừng Vươn Lên Trong Khoa Học Và Luôn Trung Thực

Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Giáo sư Mônica Cotta – Đại học Campinas (Brazil), thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture – chia sẻ về niềm đam mê vật lý và quyết định theo đuổi vật liệu nano trong sự nghiệp nghiên cứu. Bà nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hỗ trợ từ gia đình, đồng thời trao đổi một số ý kiến để tháo gỡ những thách thức mà các nhà khoa học nữ phải đối mặt.

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
IMG_6910

Chia sẻ

– Vì sao giáo sư lựa chọn vật lý? Bà đã phát triển và nuôi dưỡng tình yêu vật lý như thế nào?

– Giáo sư Cotta: Tôi luôn yêu thích khoa học, dù khi còn bé, tôi không nhận ra đó là khoa học. Tôi nhớ rất rõ khi những người đàn ông Mỹ đặt chân lên mặt trăng, tôi cảm thấy thực sự tuyệt vời dù chỉ là một đứa trẻ. Khi ấy, tôi nhận thức được ý nghĩa của sự kiện này và thường nhìn lên mặt trăng. Tôi luôn bị cuốn hút bởi những điều bí ẩn và muốn hiểu cách mọi thứ vận hành.

Tuy nhiên, hoàn cảnh của tôi khi còn trẻ khiến việc theo đuổi sự nghiệp khoa học giống như giấc mơ xa vời. Vào thời điểm đó, vật lý đã hấp dẫn tôi vì nó thấm nhuần tất cả ngành khoa học và mô tả cách vận hành của tự nhiên. Đơn giản là tôi yêu thích vật lý, cùng với thiên văn, sinh học và nhiều bộ môn khác.

Chẳng hạn, tôi muốn theo đuổi hải dương học vì ngưỡng mộ Jacques Cousteau (nhà nhà hải dương học người Pháp và là nhà thám hiểm dưới đáy biển nổi tiếng thế kỷ 20) và những bộ phim tài liệu về đại dương hay những chuyến thám hiểm trên thuyền của ông. Tuy nhiên, Brazil không có nhiều trường đại học giảng dạy chuyên ngành này và tôi không đủ khả năng tài chính để theo học. Điều đó khiến tôi không có nhiều lựa chọn.

Đó là lý do vật lý trở thành lựa chọn đầu tiên của tôi.

– Đâu là bước ngoặt quan trọng hay đáng nhớ nhất trong sự nghiệp nghiên cứu của giáo sư? Vì sao bà lại chọn tập trung vào vật liệu nano?

– Giáo sư Cotta: Thành thật mà nói, hiện nay tôi không còn tham gia nhiều vào lĩnh vực tổng hợp vật liệu nano. Tôi đã chuyển hướng vì niềm đam mê bền bỉ với sinh học.

Sau khi hoàn thành bằng thạc sĩ vật lý y tế, tôi quyết định theo học tiến sĩ. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề liên quan đến gia đình, tôi phải đổi đề tài nghiên cứu. Tôi bắt đầu nghiên cứu sâu hơn về vật liệu bán dẫn vào cuối những năm 1980 và đầu những năm 1990, khi đó công nghệ nano nổi lên và giới khoa học đã nỗ lực thu nhỏ kích thước thiết bị.

Việc khám phá vật liệu nano bán dẫn đến với tôi như một sứ mệnh tự nhiên khi các chấm lượng tử ra mắt lần đầu trong thời gian tôi theo học tiến sĩ. Sau đó, tôi mở rộng nghiên cứu sang kỹ thuật hiển vi và các lĩnh vực liên quan. Cuối cùng, tôi quay về với sinh học, trở lại hoàn toàn với niềm yêu thích ban đầu.

Song tôi đã tiếp cận sinh học từ góc độ khoa học vật liệu, sử dụng vật liệu nano để tiến hành các thí nghiệm hỗ trợ các nhà sinh vật học và đưa ra những góc nhìn độc đáo.

Hiện nay, tôi chủ yếu sử dụng vật liệu nano như một công cụ thay vì tập trung vào quá trình tổng hợp và phát triển tinh thể như lúc đầu. Bước ngoặt này đã mở rộng góc nhìn của tôi về các ứng dụng tiềm năng của vật liệu, khiến tôi cảm thấy mình thuộc về Hiệp hội Nghiên cứu Vật liệu.

Phải mất nhiều năm tôi mới nhận thức được điều này. Trong thời gian theo học bằng tiến sĩ và nghiên cứu sau tiến sĩ, tôi chủ yếu tập trung vào một lĩnh vực cụ thể.

Bên cạnh đó, tôi cũng có trách nhiệm nuôi dạy hai đứa con và các nghĩa vụ với gia đình khiến quá trình thăng tiến trong sự nghiệp của tôi bị trì hoãn. Tuy nhiên, khi có cái nhìn bao quát hơn về lĩnh vực mình theo đuổi và tiềm năng của nó, chúng ta có thể chuyển hướng và tập trung vào những khía cạnh mình thực sự quan tâm.

– Sự hỗ trợ của gia đình và xã hội quan trọng như thế nào trong hành trình xây dựng sự nghiệp của một nhà khoa học nữ?

– Giáo sư Cotta: Tôi có những người bạn chọn không sinh con, hoặc tái hôn nhiều lần. Tuy nhiên, với tôi, gia đình có ý nghĩa rất lớn.

Họ là điểm tựa và tất cả đối với tôi. Tôi đã trải qua nhiều thử thách và khó khăn liên quan đến gia đình, bao gồm cả vấn đề sức khỏe và những trách nhiệm mà tôi không nhất thiết phải gánh vác.

Tôi nhận thức được hoàn cảnh ảnh hưởng thế nào đến tiến trình phát triển sự nghiệp của bản thân. Tôi mất nhiều thời gian hơn để đạt được những cột mốc nhất định so với các đồng nghiệp nam. Họ đạt được nhiều thành tựu trong khoảng 10 năm, trong khi tôi mất nhiều hơn ít nhất 50% thời gian. Dù phải trải qua hành trình dài hơn, tôi vẫn không hối tiếc.

Song tôi nhận ra phụ nữ cũng phải đối mặt với nhiều rào cản khác. Tôi cảm thấy chúng ta phải liên tục chiến đấu để vượt qua các chướng ngại vật. Trên cương vị giám đốc, tôi cố gắng vượt qua những thách thức này bằng cách mở rộng giới hạn.

Chẳng hạn, gần đây tôi đã thảo luận với trưởng khoa nghiên cứu đại học trong viện nghiên cứu của chúng tôi về tầm quan trọng của việc tăng thời gian nghỉ sau sinh cho phụ nữ Brazil (phụ nữ Brazil hiện có quyền nghỉ 4-6 tháng có lương sau khi sinh).

Là một giáo sư, khối lượng công việc sẽ không giảm đi khi bạn có con. Ngay cả khi nghỉ phép tối đa 6 tháng, bạn không thể phớt lờ trách nhiệm với sinh viên và các cơ quan tài trợ. Hơn nữa, khi trở lại làm việc, bạn thấy mình phải đối mặt với khối lượng công việc chồng chất dồn trong thời gian chăm sóc con. Vì vậy, chúng tôi đề xuất giải pháp: Tại sao không cho phép họ nghỉ dạy thêm 6 tháng?

Quy định đơn giản này sẽ giúp các bà mẹ (hoặc các ông bố đơn thân) có thêm thời gian giải quyết hiệu quả trách nhiệm và nghĩa vụ của họ trong việc nghiên cứu và tư vấn cho sinh viên, cũng như đáp ứng các nhu cầu của trẻ. Một đồng nghiệp nam đã cùng tôi thảo luận và đề xuất ý tưởng này. Tôi rất vui với đề xuất của ông ấy.

Những vấn đề này không chỉ là mối quan tâm của riêng phụ nữ, và sự thay đổi đòi hỏi nỗ lực phối hợp. Những sáng kiến như vậy có thể dễ dàng hiện thực hóa hơn khi phụ nữ nắm giữ các vị trí có tầm ảnh hưởng. Chúng tôi có thể đưa ra những góc nhìn khác nhau và thúc đẩy những thay đổi tích cực.

Quay trở lại câu hỏi trước, đây là lý do cần đề bạt phụ nữ vào những vị trí mà họ có thể đấu tranh cho những quyết định như vậy. Gia đình đóng vai trò rất lớn trong cuộc sống của tôi. Cha tôi qua đời trong thời gian tôi học tiến sĩ, và sự mất mát đó đến giờ vẫn chưa nguôi ngoai. Trải qua hơn 30 năm, tôi vẫn nhớ ông ấy da diết.

Những nguyên tắc với nữ lãnh đạo

– Giáo sư là phụ nữ đầu tiên từng đảm nhận vị trí lãnh đạo cấp cao tại cả Hiệp hội Nghiên cứu Vật liệu Tiên tiến ở Brazil và tại Viện Vật lý trong trường đại học bà đang công tác. Giáo sư có phải đối mặt với rào cản nào không, và bà vượt qua điều đó như thế nào?

– Giáo sư Cotta: Tôi đã đối diện với nhiều rào cản suốt hành trình của mình, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học, cụ thể là vật lý. Sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực vật lý vẫn chỉ ở khoảng 10%, và có rất nhiều chướng ngại cần vượt qua.

Gần đây, tôi có nghe chia sẻ từ một đồng nghiệp người Thụy Sĩ trạc tuổi tôi. Bà ấy thảo luận về những rào cản bản thân gặp phải ở Thụy Sĩ, và điều đó gợi nhắc tôi về những trải nghiệm tương tự. Phụ nữ trong giới khoa học thường đối diện với nhiều trở ngại chung, vốn gắn liền với các yếu tố văn hóa và thiên chức làm mẹ. Phụ nữ cũng có nhiều khả năng đối diện với những thách thức khác trên con đường theo đuổi những vị trí đó.

Thành thật mà nói, tôi không biết làm thế nào tôi có thể đạt được vị trí hiện tại. Những gì tôi đã làm là trung thành với niềm tin và nguyên tắc của mình, ngay cả khi gặp phải bất đồng.

Khi tôi tham gia vào các phiên thảo luận và tranh luận, tôi luôn bảo vệ những gì bản thân tin là đúng đắn. Niềm tin vững chắc đó đã gây tiếng vang tới nhiều người và góp phần vào thành công của tôi.

Tôi là nữ chủ tịch đầu tiên của Hiệp hội Nghiên cứu Vật liệu ở Brazil. Vì hiệp hội vẫn khá trẻ khi chỉ mới thành lập 21 năm, tôi có lẽ là chủ tịch thứ sáu hoặc bảy. Nhiệm kỳ chủ tịch kéo dài hai hoặc bốn năm, tùy theo bối cảnh. Tôi hy vọng sẽ được chứng kiến thêm nhiều phụ nữ trong lĩnh vực khoa học vật liệu, vì lĩnh vực này bao gồm các nhà hóa học, nhà sinh vật học, kỹ sư và nhà khoa học từ nhiều ngành khác nhau.

Tại Viện Vật lý, tôi luôn đấu tranh cho những gì bản thân cho là đúng, không chỉ cho bản thân tôi, mà còn cho các sinh viên và nhân viên, đấu tranh vì mục tiêu chung, chứ không vì lợi ích cá nhân.

Tôi tin điều này giúp tôi nhận được sự ủng hộ từ nhiều người. Tôi chỉ đơn giản làm theo trực giác và luôn trung thành với các nguyên tắc của mình.

– Là người hiện nắm giữ vị trí lãnh đạo, giáo sư đã áp dụng nguyên tắc lãnh đạo nào để có được cảm tình của các nhân viên?

– Giáo sư Cotta: Tôi chưa bao giờ nghĩ mình là một nhà lãnh đạo. Thành thật mà nói, điều đó chưa bao giờ xuất hiện trong tâm trí tôi. Tuy nhiên, khoảng ba tuần trước, một đồng nghiệp nam đã tiếp cận tôi và bày tỏ ngưỡng mộ với kỹ năng lãnh đạo của tôi. Tôi sửng sốt và thầm nghĩ: “Wow”.

Tôi muốn chia sẻ đôi chút về nguyên tắc quản lý của mình. Tôi sinh ra ở Brazil – một đất nước đang phát triển. Trong quá trình trưởng thành, khả năng tài chính cũng giới hạn số trường học mà tôi mong muốn.

Bất chấp những khó khăn này, cha đã ủng hộ tôi theo học đại học. Cả cha mẹ tôi đều không có cơ hội học đại học. Hơn nữa, khi còn là sinh viên, tôi tận mắt chứng kiến cảnh khó khăn ở Brazil. Tôi tham gia vào các phong trào xã hội và hiểu được tầm quan trọng của việc sử dụng công quỹ có trách nhiệm nhằm kiến tạo xã hội công bằng. Mặc dù chúng tôi chưa hoàn toàn đạt được mục tiêu đó, tôi cũng có cơ hội chứng kiến những tiến bộ đáng kể trong nước.

Với góc nhìn đó, tôi quyết định trở về Brazil, thay vì ở lại Mỹ. Quyết định của tôi phần lớn ảnh hưởng bởi gia đình, nhưng tôi tin với cương vị tiến sĩ ở Brazil, tôi có thể tạo ra sự khác biệt lớn hơn so với ở một đất nước khác.

Tôi muốn đền đáp cho các quỹ học bổng công đã hỗ trợ tôi trong thời gian học sau đại học. Do đó, đây là quyết định đúng đắn và đi đúng với giá trị bản thân. Tôi tự nhủ với bản thân rằng không quan trọng tôi đang làm gì, nhưng đã làm là phải làm thật xuất sắc. Tôi thường nhấn mạnh điều này với những người khác, bất kể lĩnh vực của họ là gì – khoa học vật liệu, vật lý, sinh học hay bất kỳ ngành học nào khác.

Vấn đề không nằm ở việc bạn làm gì, mà là cách bạn thực hiện việc đó như thế nào. Khoa học cần sự chất lượng. Lịch sử đã chứng minh chất lượng khoa học không tốt có thể dẫn tới những mối nguy hại lớn. Hãy phấn đấu vươn lên trong khoa học và giữ vững tính trung thực trong quá trình tương tác với mọi người.

Những nguyên tắc này đã soi sáng tôi, và tôi cũng không suy nghĩ quá nhiều về vị thế lãnh đạo. Tôi cho rằng nhiều người nhận ra điểm đáng khen từ bản thân tôi xuất phát từ sự tuân thủ các nguyên tắc và sống thật với chính mình.

Sự đại diện của phụ nữ trong khoa học

– Theo giáo sư, làm thế nào để truyền cảm hứng cho mọi người theo đuổi giấc mơ vật lý nói riêng và khoa học nói chung?

– Giáo sư Cotta: Tôi tin khía cạnh quan trọng nhất là sự đại diện. Khi phụ nữ không thấy những phụ nữ khác tham gia vào các lĩnh vực khác nhau, có thể là khoa học, vật lý hoặc bất kỳ lĩnh vực nào, họ sẽ vô tình tạo dựng sự tự ti và nghĩ mình không đủ khả năng theo đuổi con đường đó. Điều này đặc biệt đúng ở các quốc gia như Brazil, nơi cơ hội không đến một cách dễ dàng.

Mọi người thường có nhiều cơ hội rõ ràng hơn ở những quốc gia đang phát triển. Tuy nhiên, ở các quốc gia như Việt Nam hay Brazil, chúng ta bỏ lỡ rất nhiều nhân tài vì họ không có niềm tin về những thành công khác ngoài vai trò truyền thống theo giới, hoặc vì không có chính sách công nào giúp mọi người vượt qua những rào cản này.

Do đó, tôi ưu tiên đầu tư nhiều thời gian nhất có thể để tiếp cận các bé gái và trao đổi với những khán giả nữ, cũng như tận dụng vị thế của mình trong cộng đồng khoa học để đấu tranh cho những chính sách như vậy.

Tuy nhiên, để thúc đẩy sự tham gia của phụ nữ trong khoa học, chúng ta cần sự đóng góp trực tiếp từ nam giới, thay vì chỉ những sự hỗ trợ ngoài lề. Họ nên lan toả thông điệp về sự hiện diện, về việc phụ nữ có thể theo đuổi mọi con đường và hoài bão.

Trên cương vị của mình, tôi luôn nỗ lực thúc đẩy và khuyến khích các sinh viên nữ tham gia vào khoa học nhằm tăng tỷ lệ hiện diện. Nguyên tắc này không chỉ áp dụng trong khoa học mà còn là tôn chỉ cho mọi ngành nghề hoặc vai trò phụ nữ mong muốn.

Điều quan trọng là họ cảm thấy bản thân có khả năng đạt được mọi mục tiêu và nguyện vọng. May mắn thay, thế hệ trẻ dường như nắm bắt quan niệm này tốt hơn tôi, và tôi hy vọng mình có thể đóng góp vào xu hướng tích cực đó.

– Bà đã bao giờ rơi vào tình huống là người phụ nữ duy nhất trong căn phòng toàn đồng nghiệp nam chưa? Theo bà, việc phụ nữ nắm vai trò lãnh đạo trong khoa học và nghiên cứu quan trọng thế nào?

– Giáo sư Cotta: Với câu hỏi thứ hai, tôi tin nữ giới dễ bộc lộ một số tính cách nhất định hơn nam giới, do những kỳ vọng của xã hội áp đặt lên cả hai. Phụ nữ có thiên hướng chăm sóc người khác nhiều hơn.

Ở vai trò giám đốc, tôi có trải nghiệm này khi xem nơi làm việc như “ngôi nhà thứ hai”. Do dành nhiều thời gian, tôi trò chuyện với sinh viên và nhân viên để nắm bắt những việc đang diễn ra. Khi xác định được vấn đề, tôi luôn chủ động tìm cách giải quyết.

Tôi nhớ lại những thời điểm mình lên tiếng phàn nàn về các vấn đề cần khắc phục với những người tiền nhiệm. Tuy nhiên, đôi khi họ gạt phăng những lo ngại này, khẳng định mọi thứ vẫn hoạt động trơn tru, hay ngầm ám chỉ tôi đang lãng phí thời gian của họ.

Không phải họ không muốn giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, phụ nữ thường nhìn nhận mức độ khẩn cấp và tầm quan trọng của những vấn đề này lớn hơn. Tôi có thể tìm những nguyên nhân khác giải thích sự khác biệt này, nhưng về cơ bản, nó bắt nguồn từ bản năng quan tâm, chăm sóc của người phụ nữ.

Điều này tương tự như việc người phụ nữ thường chịu trách nhiệm chăm sóc người thân đau ốm. Chúng tôi thường xuyên gánh vác vai trò này. Do đó, phụ nữ có xu hướng tập trung vào tình huống hiện tại và những người liên quan. Chúng tôi nỗ lực tiếp cận và giải quyết vấn đề bằng cách kêu gọi chung tay, thay vì sai bảo, yêu cầu. Chúng tôi khuyến khích mọi người cùng nhau tìm giải pháp. Cách phản ứng này có vẻ dễ dàng hơn với phụ nữ, ít nhất là dựa trên kinh nghiệm của nhiều người mà tôi biết.

Có thể quan điểm của tôi mang thiên kiến, nhưng tôi nhận thấy phụ nữ có xu hướng ưu tiên sự gắn kết. Chúng tôi đa nhiệm, đảm đương và “phân thân” cho các nhiệm vụ khác nhau, như chăm sóc con cái trong khi làm nghiên cứu. Chúng tôi có sở trường quản lý nhiều việc cùng một lúc, và đại dịch Covid-19 là minh chứng điển hình cho nhận định này. Tôi đã đề cập những đặc điểm này trước đó.

Cuối cùng, tôi muốn nhắc tới câu chuyện mà bạn tôi từng kể. Cô ấy tham dự cuộc họp kín trong một hội nghị có sự tham gia của nhiều tổ chức, và cô ấy là người phụ nữ duy nhất trong phòng. Một người đàn ông cho rằng bạn tôi là người phục vụ và yêu cầu một cốc cafe. Các trường hợp tương tự có thể xảy ra thường xuyên, nhưng tôi hy vọng những tình huống như vậy ngày càng ít đi theo thời gian.

– Theo bà, cần làm gì để tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong khoa học và công nghệ ở các nước đang phát triển?

– Giáo sư Cotta: Chúng ta cần xem xét một số vấn đề. Về mặt tâm lý, phụ nữ thường quan tâm đến khoa học nhiều hơn khi ngành này có ý nghĩa xã hội. Ví dụ, họ có thể yêu thích các lĩnh vực như vật lý y tế, lĩnh vực ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống con người.

Xu hướng này không chỉ có ở Brazil mà tồn tại trên toàn thế giới. Chúng ta có thể tận dụng tâm lý này như đòn bẩy, bằng cách chứng minh khoa học phù hợp với sở thích và mối quan tâm của họ như thế nào. Ngoài ra, cải thiện sự tham gia của phụ nữ trong khoa học là mục tiêu rộng lớn, không giới hạn trong một lĩnh vực cụ thể.

Một cách tiếp cận khác có thể kể đến là xem xét và sửa đổi các chính sách hiện có, như thúc đẩy sự đa dạng. Gần đây, trường đại học của tôi đã giới thiệu hệ thống kêu gọi nội bộ (internal calls) tài trợ cho nghiên cứu. Lần đầu tiên trong lịch sử 56 năm của trường, hệ thống này tính đến các tiêu chí công bằng. Các giáo sư nữ, bao gồm cả tôi, đều ủng hộ sự thay đổi này.

Chúng tôi nhận ra nên đánh giá các thành tựu khoa học dựa trên hoàn cảnh khác nhau. Ví dụ, thật không công bằng nếu so sánh kết quả nghiên cứu của giáo sư nam không chịu trách nhiệm chăm sóc gia đình trong 10 năm với giáo sư nữ đã có nhiều con. Vì vậy, chúng tôi đã tìm cách giải quyết bất cập này.

Chúng tôi đưa ra các tiêu chí công bằng không chỉ dựa vào giới tính mà còn theo tình huống cụ thể. Chẳng hạn, một người đàn ông độc thân hoặc cặp đồng tính nhận con nuôi có quyền được xem xét giống phụ nữ. Chúng tôi áp dụng cách tiếp cận toàn diện và cởi mở để đảm bảo tất cả ứng viên nhận các điều kiện như nhau.

Nhận thấy nền tảng và kinh nghiệm đa dạng làm phong phú thêm lĩnh vực này, chúng tôi cho rằng việc đặt các cá nhân đối mặt với nhiều khó khăn khác nhau lên cùng một bàn cân có thể không công bằng.

Do đó, chúng tôi kéo dài thời gian đánh giá với những người gánh vác thêm một số trách nhiệm, như phải chăm sóc người thân bị ốm…

Tôi tin chắc bằng cách thảo luận và tìm kiếm sự đồng thuận, chúng ta có thể hiện thực hóa và thừa nhận tầm quan trọng của các cách tiếp cận này, dần dần thay đổi quan điểm ở nhiều nơi.

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm