Giáo sư Zhenan Bao – Từ Cô Gái Nhút Nhát cho đến Nhà Khoa học Đi Trước Thời Đại

Hà Nội, 10/05/2022 – Giáo sư Zhenan Bao (Đại học Stanford, Mỹ) đã chính thức trở thành Chủ nhân Giải thưởng Đặc biệt dành cho Nhà Khoa Học Nữ ngày 20/01/2022 vừa qua. Bà được công nhận cho thành tựu nghiên cứu về thiết bị điện tử lấy cảm hứng từ da và ứng dụng tương ứng trong các lĩnh vực y tế và năng lượng. Các nghiên cứu của bà đặt nền móng quan trọng cho việc phát triển da điện tử nhân tạo với khả năng cử động và cảm nhận như da người thật. Điều này góp phần mang lại hy vọng cho hàng triệu người khuyết tật trên toàn thế giới.

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
zhenan-bao-vinfuture-award-01-scaled-e1652410168217

Chia sẻ

Trong giới khoa học, Giáo sư Zhenan Bao không phải là một nhân vật quá xa lạ. Bà đang có hơn 700 bài báo nghiên cứu khoa học, hơn 100 bằng sáng chế tại Mỹ và chỉ số Google Scholar H-index 185. Bà hiện là Giáo sư tước hiệu K.K. Lee về Kỹ thuật Hóa học, được bổ nhiệm danh dự tại Khoa Hóa học và Khoa Khoa học và Kỹ thuật Vật liệu tại Đại học Stanford, Mỹ.

Nếu có cơ hội trò chuyện với Giáo sư Zhenan Bao, chắc hẳn phong thái tinh tế và khiêm tốn của bà sẽ khiến người đối diện ấn tượng. Đối với một nhà khoa học nổi tiếng, sự giản dị này thực sự là một điều đáng trân trọng. Chúng tôi đã rất may mắn được trò chuyện nhanh với Giáo sư và trao đổi về nguồn cảm hứng, động lực làm khoa học của bà ngay trước thềm Lễ trao giải VinFuture 2021.

“Tôi nghĩ rằng rất nhiều bạn trẻ sẽ nhìn thấy hình ảnh phản chiếu của bản thân trong câu chuyện của tôi.”

Giáo sư Bao không xuất thân từ một gia thế giàu có. Điểm xuất phát của bà cũng giống với nhiều sinh viên quốc tế khác tại Mỹ: bà bắt đầu học bằng cử nhân tại Đại học Chicago ở độ tuổi 19. Chỉ với vỏn vẹn 100 đô la trong túi, bà đã làm thêm rất nhiều công việc khác nhau để bươn chải cuộc sống, từ làm việc trong nhà máy tới bán hàng trong siêu thị. Mặc dù chặng đường khởi đầu không hề dễ dàng, bà vẫn quyết tâm chú trọng việc học tập và tốt nghiệp bằng Tiến sĩ Hóa học. Tuy thường được miêu tả là một cô gái ít nói, nhưng ngay từ thời trẻ, Giáo sư Bao đã luôn có những hoài bão lớn lao. Sự khao khát học hỏi và trí tò mò vô biên đã thôi thúc bà phát triển tầm nhìn vĩ đại, để biến đổi thế giới qua việc tạo ra một thế hệ thiết bị y tế mới.

(Giáo sư Zhenan Bao nhận hoa trong sự kiện “Chào Tương lai: Giao lưu với chủ nhân các giải thưởng VinFuture 2021” ngày 21/01/2022)
Đặt câu hỏi tại sao và đón nhận sự đa dạng để thúc đẩy sáng tạo

Giáo sư Bao đã có một tuổi thơ êm đềm, bình dị tại Nam Kinh, Trung Quốc. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống khoa học, bà đã nhanh chóng khám phá ra chìa khóa của việc sáng tạo ngay từ những ngày thơ ấu. Cha bà luôn đặt câu hỏi về việc tại sao mọi thứ xung quanh diễn ra, biến cuộc sống nhỏ bé của Giáo sư Bao thành một thế giới diệu kỳ với đầy ắp các ẩn số thú vị. Khi đã trưởng thành và trở thành một nhà khoa học, Giáo sư vẫn tiếp tục đặt câu hỏi cho chính bản thân, tạo ra các giả thuyết và thiết kế các thí nghiệm để xác thực các giả thuyết đó, tự giải đáp các bí ẩn về khoa học mà bà đặt ra.

Ngay sau khi nhận bằng Tiến sĩ, Giáo sư Bao đã chọn Bell Labs (hiện là Nokia Bell Labs) để tiếp tục hành trình nghiên cứu khoa học của mình. Được hòa mình trong môi trường nghiên cứu tiên tiến vượt trội như vậy đã giúp bà được tiếp xúc với nhiều nhà khoa học thuộc nhiều chuyên ngành, lĩnh vực chuyên môn, nền tảng văn hóa và sắc tộc khác nhau.

“Chuyên môn của tôi là hóa học… [tại Bell Labs] tôi đã có cơ hội được làm việc với các nhà vật lý học, kỹ sư điện tử, thần kinh học và rất nhiều ngành khoa học khác nữa. Tôi được làm quen với nhiều quan điểm, hướng suy nghĩ và cách thức khác nhau để đặt đúng câu hỏi. Sự đa dạng này đã thúc đẩy tôi cùng các đồng đội của mình phối hợp làm việc và tư duy sáng tạo để đưa ra các giải pháp, công trình nghiên cứu có thể giải quyết các vấn đề một cách khách quan nhất,”

Giáo sư Zhenan Bao chia sẻ.
(Giáo sư Zhenan Bao chia sẻ về công trình nghiên cứu của mình trong sự kiện “Chào Tương lai: Giao lưu với chủ nhân các giải thưởng VinFuture 2021” ngày 21/01/2022)
Cảm hứng thôi thúc học hỏi từ que kem thời thơ ấu

Trong số hàng ngàn câu hỏi được cha mình đặt ra, có một câu hỏi đặc biệt mà Giáo sư Bao không thể quên, và cũng chính câu hỏi này đã trở thành nguồn cảm hứng khoa học bất tận cho bà sau này. Mùa hè tại Nam Kinh thường khá nóng, và cha chỉ cho phép bà ăn một que kem mỗi tuần. Ngày hôm đó, khi bà và cha mình dạo chơi trong công viên, ông đã đố rằng nếu ném que kem xuống hồ thì nó sẽ nổi hay chìm. Cứ nghĩ rằng kem không khác gì hòn đá, bà nhanh chóng trả lời rằng nó sẽ chìm. Là một cô bé 3 tuổi, vào thời điểm đó Giáo sư chẳng hề muốn phí mất cây kem duy nhất của mình để thử nghiệm trả lời câu đố của cha mình. Tuy nhiên cha bà đã động viên và hứa sẽ đền que kem mới nếu kết quả cuộc thí nghiệm khác với câu trả lời của bà. Và thật bất ngờ rằng que kem đã nổi và ngày hôm đó cũng là ngày Giáo sư Bao nhận được bài học về khoa học đầu đời, rằng nước đá có khối lượng riêng nhỏ hơn nước.

Người phụ nữ đi trước thời đại

Nhiều người nói Giáo sư Bao được sinh ra để làm khoa học. Nhưng Giáo sư Bao lại cho rằng thành công của bà đến từ nền móng và tố chất bà học được tại Bell Labs. Khoa học ẩn chứa nhiều ý nghĩa hơn cảm hứng cá nhân đơn thuần hay động lực giải quyết vấn đề đời thường. Bell Labs là một viện nghiên cứu danh giá vào những năm 1990. “Đó là nơi mà bóng bán dẫn (transistors) đầu tiên được phát minh, một công trình quan trọng đã thay đổi cách chúng ta sử dụng các thiết bị điện tử ngày nay và đã được trao giải Nobel danh giá. Nghiên cứu về hố đen vũ trụ cũng được khởi xướng tại đây, mang đến cho chúng ta kiến thức chuyên sâu về hố đen và cách vũ trụ được hình thành; đây cũng là công trình đạt giải Nobel khác của viện.” Tuy nhiên không có gì là tự nhiên mà có, tự nhiên mà thành công cả. “Bell Labs có truyền thống lâu năm là các nhà khoa học trong viện sẽ tập trung nghiên cứu các công trình mang tính đột phá, có tiềm năng thay đổi thế giới. Công việc cũng đòi hỏi các nhà nghiên cứu phát triển các tiến bộ mới trong khoa học cơ bản, thay đổi bối cảnh công nghệ và chuyển đổi tư duy,” Giáo sư Bao giải thích.

(Giáo sư Zhenan Bao nhận giải trong Lễ Trao giải VinFuture ngày 21/01/2022)

Chính những ước mơ lớn lao sẽ thúc đẩy con người vượt khỏi các giới hạn của bản thân và khoa học, trang bị cho chúng ta tinh thần thép để chinh phục thế giới. Thời gian làm việc tại Bell Labs đã dạy cho Giáo sư Bao cách tư duy dẫn đầu, đi trước và chắp cánh những ước mơ lớn. Ngay từ những ngày đầu nghiên cứu của mình, từ hơn 20 năm trước, bà đã suy nghĩ về cách chế tạo ra màn hình gập (foldable displays) trước khi cả điện thoại thông minh được sản xuất. Khi đã trở thành giáo sư tại Đại học Stanford hàng đầu thế giới, bà lại tiếp tục nghiên cứu màn hình uốn dẻo linh hoạt (flexible displays) nhiều năm trước khi được chúng được thương mại hóa. “Tôi luôn tìm kiếm các thử thách mới, các bài toán mới để giải đáp. Và khi tôi nhận ra nhu cầu về một chiếc tay robot nhân tạo với các đặc tính của giác quan người, tôi đã nghĩ ngay tới việc ứng dụng thiết bị điện tử uốn dẻo linh hoạt để tạo ra những chiếc tay đó,” Giáo sư Bao nói. Từ những tư tưởng khoa học tiến bộ này, Giáo sư Bao đã bắt đầu nghiên cứu các loại hình thiết bị điện tử tiên tiến, đặc biệt là thiết bị điện tử lấy cảm hứng từ da người. Cùng với đội ngũ nghiên cứu của mình, bà đã và đang dần định hình lại thế hệ thiết bị điện tử mới và thay đổi cả ngành khoa học đứng sau việc chế tạo vật liệu giống da người này. Từ một cô gái nhút nhát đến từ Nam Kinh, với những những hoài bão cao cả và động lực học hỏi không ngừng, Giáo sư Bao được cả thế giới công nhận là một trong những nhà khoa học có tư tưởng vượt trội nhất và dẫn đầu cuộc cách mạng đổi mới thiết bị y tế cho tương lai.

*Bài phỏng vấn này đã được điều chỉnh về độ dài và làm rõ nghĩa.

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm