GS Quarraisha Abdool Karim: Mỗi người làm chủ cuộc đời mình

Trong bối cảnh sự tham gia của phụ nữ ở lĩnh vực khoa học và nghiên cứu chưa cao, giáo sư Quarraisha Abdool Karim như ngọn hải đăng thắp sáng niềm tin cho nhiều phụ nữ và trẻ em gái trên khắp thế giới khao khát tạo ra sự khác biệt. Trong suốt sự nghiệp, giáo sư Karim phá vỡ những khuôn mẫu và đạt được nhiều thành tựu vượt bậc.

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
Prof-Karim-1

Chia sẻ

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế Phụ nữ, Quỹ VinFuture có buổi trò chuyện với giáo sư Karim để tìm hiểu về các dự án sắp tới của bà, những trải nghiệm của một nhà khoa học nữ, và lắng nghe những lời khuyên truyền cảm hứng cho các phụ nữ trẻ muốn theo đuổi khoa học.

Giáo sư Karim là nhà khoa học người Nam Phi được vị nể trên phạm vi toàn cầu. Bà ghi dấu mốc lịch sử khi trở thành nữ chủ tịch đầu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS). Bà từng được vinh danh ở nhiều giải thưởng quốc tế cho những cống hiến trong nghiên cứu về HIV và các bệnh truyền nhiễm khác. Bà được trao Giải đặc biệt VinFuture 2021 dành cho các Nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển, với thử nghiệm lâm sàng mang tính bước ngoặt cung cấp bằng chứng ban đầu vào năm 2010 về thuốc kháng virus với tác dụng ngăn chặn lây truyền HIV qua đường tình dục.

 Đã hơn hai tháng kể từ khi bà đảm nhận nhiệm vụ mới  nữ Chủ tịch đầu tiên của Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới. Công việc hiện tại của bà như thế nào? Bà đã gặp những trở ngại nào, và vượt qua chúng ra sao?

– Giáo sư Karim: Tôi đảm nhận vị trí chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Thế giới (TWAS) kể từ ngày 1/1/2023, đồng thời vẫn làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Chương trình AIDS tại Nam Phi (CAPRISA) với tư cách Phó giám đốc khoa học. Tôi rất vinh dự và biết ơn khi có cơ hội lãnh đạo TWAS – tổ chức tròn 40 tuổi vào năm 2023.

Tôi ấn tượng với góc nhìn và tầm nhìn sâu sắc của những người sáng lập TWAS trong việc áp dụng thành tựu khoa học, công nghệ, đổi mới, toán học và kỹ thuật để cải thiện cuộc sống của người dân ở các nước thu nhập thấp.

Hội đồng điều hành TWAS hiện tại – với 50% là phụ nữ – mong muốn tiếp nối nền tảng vững chắc mà các nhà sáng lập và những chủ tịch tiền nhiệm đã xây dựng trong 40 năm qua. Hơn 1.000 nghiên cứu sinh TWAS là những nhà lãnh đạo toàn cầu trong lĩnh vực của họ, nhiều người là cố vấn cho các nhà khoa học trẻ và lãnh đạo các viện, trung tâm nghiên cứu.

Khi tuyển nghiên cứu sinh mới, chúng tôi đặc biệt chú ý đến vấn đề bình đẳng giới trong tất cả lĩnh vực. TWAS đã mang đến cơ hội học tập ở bậc tiến sĩ cho hàng nghìn sinh viên trẻ trong nhiều lĩnh vực khoa học. Trong số những sinh viên tốt nghiệp, nhiều người đang tạo ra sự khác biệt lớn ở đất nước họ, nỗ lực cùng các cố vấn, đối tác và cộng tác viên hiện thực hóa ước mơ của những nhà sáng lập TWAS.

Dẫu vậy, các nước có thu nhập trung bình, thấp vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức, trước khi tầm nhìn của những người sáng lập TWAS được hiện thực hóa trọn vẹn.

Chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ từ các đối tác. Tuy nhiên, trong 3 năm qua, đại dịch Covid-19 ảnh hưởng đến cam kết từ một số nhà tài trợ. Do đó, Ban thư ký và Hội đồng điều hành TWAS đang tập trung vào chiến lược gây quỹ nhằm đảm bảo một số kế hoạch hỗ trợ nghiên cứu và đào tạo tiến sĩ không bị ảnh hưởng.

TWAS được thành lập vào năm 1983 bởi một nhóm nhà khoa học kiệt xuất từ các nước đang phát triển, dưới sự lãnh đạo của ông Abdus Salam – nhà vật lý người Pakistan từng đoạt giải Nobel. TWAS tin rằng bằng cách nâng cao năng lực về khoa học và kỹ thuật, các quốc gia đang phát triển có thể củng cố kiến ​​thức và kỹ năng giải quyết những thách thức như bệnh tật và nghèo đói.

– Giáo sư nhắc đến sự công bằng (equity). Vậy bà nhận thấy sự khác biệt nào trong việc phụ nữ tham gia lĩnh vực khoa học ở các nước mình từng đến công tác không?

– Giáo sư Karim: Tôi là một nhà khoa học trong lĩnh vực y tế. Trong hơn một thập kỷ qua, chúng ta chứng kiến tỷ lệ nữ giới chiếm phần lớn ở lĩnh vực sinh học và sức khỏe. Ngược lại, trong các ngành kỹ thuật, khoa học tự nhiên và công nghệ thông tin, dù số lượng phụ nữ ngày càng tăng, khoảng cách tới sự công bằng vẫn rất xa, đặc biệt là ở cấp lãnh đạo.

Khi số lượng các giải pháp y sinh và công nghệ tăng lên, chúng ta nhận thấy khoảng cách ngày càng lớn trong khả năng tiếp cận và sử dụng các giải pháp này, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.

Theo tôi, nếu muốn thu hẹp khoảng cách nói trên, đồng thời tăng cường sự tham gia của công chúng trong nỗ lực tìm giải pháp cho những thách thức mà các nước thu nhập thấp đang đối mặt, các nhà khoa học xã hội cần hợp tác chặt chẽ hơn với những nhà cải cách, và phát triển công nghệ ngay từ giai đoạn đầu. Từ đó, (họ) sẽ cùng sáng tạo và cùng sở hữu giải pháp, giúp nâng cao mức độ tiếp cận và sử dụng.

Các nhà khoa học cũng cần tăng cường giao tiếp với công chúng để làm sáng tỏ rằng khoa học, công nghệ và đổi mới là chìa khóa, đặc biệt trong thời đại ngày càng có nhiều thông tin giả hoặc sai lệch.

Càng giải thích về phương pháp khoa học – những điều vô định mà các nhà khoa học phải đối mặt, hay vô số thất bại và cả những thành công hiếm hoi – tôi càng tin rằng chúng ta có thể thay đổi cuộc sống của mọi người tốt hơn.

– Chúng ta đã đề cập rất nhiều về những thách thức và rào cản. Mỗi quốc gia có thể làm gì để xóa bỏ những rào cản và khó khăn đó đối với các nhà khoa học nữ? Đâu là cơ hội cho họ để vươn tới thành công?

– Giáo sư Karim: Những khác biệt và bất bình đẳng này, dù liên quan đến sự giàu có của một quốc gia, triển vọng việc làm hay đóng góp cho xã hội, không tồn tại rõ ràng. Chúng ta phải chủ động nhận ra điều đó, đưa ra những kế hoạch cụ thể và giám sát chặt chẽ các mốc thời gian, để đảm bảo kế hoạch có hiệu quả và tạo ra tác động mạnh mẽ.

Để giải quyết bất bình đẳng giới, chúng ta phải công nhận rằng phụ nữ ở mọi nơi đều có đủ quyền công dân và có địa vị bình đẳng – điều này bắt đầu từ khi họ sinh ra, cũng như việc nuôi dưỡng và tạo điều kiện bình đẳng cho cả hai giới tính, kể cả trong giáo dục, ngay từ những ngày đầu tiên. Không thể để những bé gái lớn lên với niềm tin rằng mình thấp kém hơn những bé trai.

Tôi tin rằng ngoài việc chủ động giải quyết vấn đề bình đẳng giới, các hình mẫu đóng một vai trò quan trọng. Nếu bạn là người da màu và khi nhìn xung quanh, bạn không thấy nhiều nhà thiên văn học giống mình, bạn sẽ không coi đây là một lựa chọn nghề nghiệp.

Các giải thưởng đặc biệt, trong đó công nhận rằng nhà khoa học nữ đang phá vỡ rào cản vô hình trong STEM – đặc biệt là phụ nữ ở các vị trí lãnh đạo, giúp phụ nữ trẻ hình dung, mơ ước về sự nghiệp trong những lĩnh vực đó, đồng thời khuyến khích suy nghĩ rằng:

Tôi có thể thay đổi những gì? Di sản tôi để lại cho các thế hệ tương lai sẽ là gì?

Tôi luôn tin rằng mỗi người làm chủ chính cuộc đời mình. Louis Pasteur đã nói: ‘Cơ hội luôn ưu ái những người đã có sự chuẩn bị’. Vì vậy, hãy nghĩ về những gì bạn muốn làm. Và đừng nghĩ về những trở ngại và rào cản.

Hãy tập trung vào mục tiêu của bạn và tự nhủ rằng: ‘Đây là điều tôi muốn làm. Tôi có thể làm được và tôi sẽ làm được’. Sự tập trung đó sẽ giúp bạn tiến về phía trước, ngay cả khi mọi việc không xảy ra theo ý bạn.

– Giáo sư đã hỗ trợ sinh viên Việt Nam mở rộng cơ hội của họ. Kỳ vọng của bà là gì, và điều gì đã thôi thúc bà làm vậy?

– Giáo sư Karim: Với tư cách đồng chủ nhân Giải thưởng Đặc biệt VinFuture dành cho Nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển năm 2021, vợ chồng tôi đã có cơ hội đến thăm và giảng dạy tại Đại học VinUni. Thông qua đó, chúng tôi đã có thể thiết lập mối quan hệ với Viện Khoa học Sức khỏe. Chúng tôi hân hạnh đón tiếp các chuyên gia và một số sinh viên đến CAPRISA ở Durban, Nam Phi.

Đó là chuyến đi đầu tiên của họ đến châu Phi, giúp mở rộng tầm nhìn, khám phá thế giới nhiều hơn và xác định những thách thức chung. Điều này làm tôi nhớ lại mình đã được trao cơ hội học tập tại Đại học Columbia khoảng 35 năm trước như thế nào. Cơ hội ấy tạo ra sự khác biệt lớn đối với cuộc đời cũng như con đường sự nghiệp của tôi.

Khi trở lại Việt Nam vào cuối năm 2022, tôi rất vui khi chứng kiến những sinh viên Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với các nhà nghiên cứu ở Durban và đang thực hiện một số dự án chung. Không gì có thể thay thế cho sự tương tác và đối thoại trực tiếp. Ngoài ra, những cuộc gặp đó cũng là lời nhắc nhở về tính liên kết và các điểm yếu chung của chúng ta. Suy cho cùng, chúng ta đều là nhân loại trên hành tinh Trái Đất. Chúng ta cần nỗ lực để lại một di sản mạnh mẽ cho thế hệ sau tiếp tục xây dựng.

– Là Chủ nhân Giải thưởng VinFuture và sau này trở thành thành viên Hội đồng Sơ khảo, bà dự đoán hoặc có kỳ vọng gì cho mùa giải mới?

– Giáo sư Karim: Tôi cho rằng vẻ đẹp của khoa học nằm ở cách nó liên tục cải thiện cuộc sống của con người.

Giải thưởng Chính VinFuture đầu tiên được trao cho lĩnh vực y tế và y học. Nó đồng thời đặt tiêu chuẩn cao cho Giải thưởng Chính năm thứ hai của ban giám khảo, để tôn vinh cho nhóm đã góp phần thiết lập công nghệ mạng toàn cầu, Internet và cáp quang. Nghiên cứu đó đã tạo ra một cuộc cách mạng về cách chúng ta giao tiếp với nhau trên toàn cầu, giúp chúng ta tiếp tục công việc của mình trong suốt đại dịch.

Tôi giữ quan điểm cởi mở về những người nhận Giải thưởng Chính năm thứ ba của VinFuture và những đóng góp của họ. Rất có khả năng là một nhóm nhà khoa học hơn là một cá nhân.

Bây giờ, tôi rất háo hức đón chờ các đề cử với tư cách thành viên Hội đồng Sơ khảo. Giải thưởng Chính của VinFuture đang nhận được rất nhiều sự quan tâm và chúng tôi nhận thấy số lượng, cũng như chất lượng của các đề cử ngày càng tăng.

Các hạng mục Giải thưởng Đặc biệt đã tạo ra sự cân bằng tuyệt vời với Giải thưởng Chính, tập trung vào khám phá những thay đổi cuộc sống thông qua các phát kiến đổi mới đầy hứa hẹn đang được triển khai.

– Bà có lời khuyên nào dành cho các nhà khoa học nữ trẻ đang hướng tới mục tiêu trở thành nhà nghiên cứu hoặc nhà khoa học nói chung không?

– Giáo sư Karim: Đây là khoảng thời gian tuyệt vời đối với một nhà khoa học nữ trẻ tuổi. Bắt đầu sự nghiệp khoa học vào thời điểm này là điều tuyệt vời, bất kể giới tính, khi tầm quan trọng của khoa học đối với xã hội ngày càng được đánh giá cao.

Bạn đã đưa ra một quyết định đúng đắn khi lựa chọn trở thành một nhà khoa học. Hãy suy nghĩ về những gì bạn muốn thay đổi thông qua việc trở thành một nhà khoa học và tập trung vào mục tiêu đó.

Tôi rất mong chờ được chứng kiến những cải tiến mà bạn mang đến cho hành tinh và nhân loại. Hãy tận hưởng cuộc hành trình này với tất cả điều khó đoán, chứ không phải là một con đường thẳng từ điểm A đến điểm B. Đó là một hành trình tuyệt đẹp. Vì vậy, hãy dành thời gian tận hưởng từng bước trong hành trình này. Sẽ có nhiều phần thưởng và thách thức, nhưng hãy tiếp tục tiến về phía trước, và bạn sẽ đạt được mục tiêu.

Cảm ơn Giáo sư vì những chia sẻ đầy hứng khởi. Chúng tôi mong được đón tiếp bà tại Lễ trao giải VinFuture 2023 vào tháng 12 tới.

Ảnh bìa: Việt Hùng.

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm