Tháng 1 năm 2021, Giải thưởng VinFuture Đặc biệt dành cho “Nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển” lần thứ nhất đã gọi tên Giáo sư Salim S. Abdool Karim và Giáo sư Quarraisha Abdool Karim – vợ chồng hai nhà khoa học đến từ Nam Phi.
Đây là một trong ba hạng mục giải thưởng đặc biệt, hướng đến cộng đồng khoa học tại các nước đang phát triển, cũng là một khía cạnh rất riêng mà Giải thưởng VinFuture đã ấp ủ ngay từ những ngày đầu tiên. Nhắc tới các quốc gia đang phát triển, không ít người sẽ nghĩ tới những giới hạn về điều kiện kinh tế, nền tảng tri thức và điều kiện hạ tầng nghiên cứu, dẫn đến khoảng cách trong sự phát triển với các quốc gia lớn đã có truyền thống nghiên cứu khoa học lâu đời. Dù vậy, câu chuyện của những nhà khoa học tài năng và đầy tâm huyết từ châu Phi là minh chứng cho thấy, khoa học không có giới hạn và những thành tựu khoa học kiệt xuất có thể được hình thành từ bất cứ nơi đâu trên khắp thế giới.
Thách thức càng khó khăn, động lực càng mạnh mẽ
Tại châu Phi, thói quen sống và điều kiện kinh tế hạn chế đang là hai trở ngại lớn nhất trong việc tìm ra lời giải cho bài toán HIV – AIDS. Từ ca nhiễm đầu tiên được xác định tại châu Phi vào năm 1959, cho đến nay đại dịch HIV – AIDS vẫn đang tồn tại và gây nên những ảnh hưởng toàn cầu sau gần 7 thập kỷ. Mỗi năm, ước tính có thêm 1,5 triệu người nhiễm HIV/AIDS. 36,3 triệu người đã chết vì HIV. Cuối năm 2020, có tới 37,7 triệu người đang sống với căn bệnh này. Châu Phi là châu lục chiếm tới 66,6% các ca nhiễm bệnh, cũng là nơi đại dịch HIV/AIDS đang gây ra những tổn thất nặng nề hơn cả, với 75% người dân từ 15 đến 24 tuổi dương tính với HIV là phụ nữ.
Là những người tiên phong đương đầu với cuộc chiến chống lại HIV/AIDS và có nhiều trải nghiệm với bài toán hóc búa này ngay từ những ngày đầu, hai nhà khoa học Salim Abdool Karim và Quarraisha Abdool Karim đã dành nhiều chục năm nghiên cứu để phát triển nên sản phẩm Tenofovir gel và thuốc dạng uống, với giá thành thấp, cách sử dụng đơn giản và dễ tiếp cận với người dân, phát minh đã thiết lập chiến lược phòng ngừa HIV, qua đó đặt nền móng cho phương pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP).
”Chúng tôi xuất thân từ Châu Phi, là những người nhập cư từ Ấn Độ. Tuổi thơ của tôi là những tháng ngày gia đình phải sống trong tình cảnh vô cùng thiếu thốn, bởi những công việc có thể làm chỉ là những việc lao động chân tay.”
– Giáo sư Salim S. Abdool Karim chia sẻ.
Lớn lên giữa những khó khăn như vậy, nhưng nhờ nhận được những ảnh hưởng tích cực từ các thành viên trong gia đình, từ các giáo viên trong trường học, đặc biệt là nhờ có động lực mạnh mẽ của những trải nghiệm đầy gian nan, Giáo sư Salim càng quyết tâm vượt khó, để theo đuổi con đường học tập và đam mê nghiên cứu khoa học của mình.
“Sự tò mò và khao khát khám phá của tôi, từ bé đến lớn, may mắn luôn được nuôi dưỡng và khuyến khích, cho dù bố mẹ tôi, người thì chưa học hết Phổ thông, người thì chưa học xong Tiểu học. Nhưng không phải ai cũng có được điều kiện như vậy. Chúng tôi từng thấy nhiều cá nhân hay cộng đồng gặp bất lợi, đơn giản chỉ vì màu da của họ. Do đó, chúng tôi muốn đấu tranh, để theo đuổi và giải quyết những bất bình đẳng, đặc biệt là trong khoa học”
– Giáo sư Quarraisha Abdool Karim chia sẻ về sứ mệnh của chồng và bản thân.
Cả hai Giáo sư đều đã nhận thấy được những vấn đề tồn đọng ngay tại nơi mình đang sinh ra và lớn lên. Và ngay khi bước vào ngành sức khỏe cộng đồng, họ tin rằng mình đã tìm được một niềm đam mê thực sự để đeo đuổi và gắn bó lâu dài.
Lựa chọn trở về và “cuộc chiến” qua nhiều thập kỷ
Học bổng toàn phần từ một trường Đại học tại Mỹ chính là một cơ hội để hai Giáo sư thay đổi vận mệnh của chính mình. Sau khi kết thúc khóa học dịch tễ tại Mỹ, Giáo sư Salim cùng vợ quyết định trở lại Nam Phi, nơi mà sau này hai giáo sư đã dành ra hơn 2 thập kỷ cống hiến cho “cuộc chiến” chống lại HIV. Từ những năm 1980 tới nay, hai vợ chồng Giáo sư đã thành lập tổ chức CAPRISA được tài trợ bởi Viện Y Tế quốc gia Hoa Kỳ và rất nhiều những khám phá đột biến khác về phòng chống HIV.
Bắt đầu sự nghiệp khoa học tại mảnh đất châu Phi, cũng có nghĩa là phải sẵn sàng đối mặt với rất nhiều rào cản trong nghiên cứu. Theo Giáo sư Salim, trong vô vàn những khó khăn, vấn đề đầu tiên chính là thiết bị, với cơ sở hạ tầng kém phát triển, cũng như thiếu những nguồn cung cấp cần thiết cho khoa học. Tại Nam Phi nói riêng và châu Phi nói chung, rất nhiều các thiết bị khoa học đều không có sẵn. Nếu như hai Giáo sư may mắn đặt mua được thiết bị ở nước ngoài thì họ lại gặp phải vấn đề thứ hai: không thể tìm được người để sữa chữa, bảo dưỡng thiết bị khoa học khi gặp trục trặc.
Việc giải quyết được những khó khăn này chính là điều kiện tiên quyết để các nhà khoa học có thể tiếp tục theo đuổi đam mê khoa học. Thông qua sự hợp tác giữa các nhà khoa học trên khắp Lục địa, và các tổ chức Quốc tế, Giáo sư Salim và Quarraisha đã thiết lập một mạng lưới khoa học rộng lớn, với hơn 100 nhà nghiên cứu từ đa quốc gia.
Khó khăn cuối cùng, cũng chính là khó khăn mà nhiều tổ chức khoa học thế giới đang phải đối mặt hàng ngày: ngân sách. Để có thể đưa ra những phát minh thiết thực như Tenofovir gel tới với Nam Phi và thế giới, ngân sách mà hai nhà khoa học cần nhiều hơn toàn bộ ngân sách của Hội đồng nghiên cứu Y khoa Nam Phi thời điểm ấy. Do đó, để có cơ hội được tiếp tục theo đuổi đam mê, Giáo sư Salim và Quarraisha đã phải làm việc không kể ngày đêm, để đưa ra được những ý tưởng sáng tạo và có tính cạnh tranh cao nhất. “Trong năm đầu tiên hoạt động, hầu hết ngân sách của chúng tôi đều được tài trợ bởi Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu.” – Giáo sư Salim hồi tưởng.
Sức mạnh của “Người tí hon”
Làm khoa học ở các quốc gia đang phát triển không phải lúc nào cũng là điều thiệt thòi, và nếu cứ khăng khăng nói rằng “người tí hon” nghĩa là phe yếu thế, e cũng là một nhận định có phần vội vã. Khi ta chọn nhìn vấn đề từ góc độ tích cực, những quốc gia đang phát triển chính là nơi có đầy đủ nhất những thách thức thời đại và những vấn đề cấp thiết hơn cả về mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Đây có thể là một môi trường lý tưởng đem lại động lực lớn cho các nhà khoa học thử nghiệm và phát triển nghiên cứu để đưa ra những phát minh mang giá trị đổi thay rõ rệt nhất.
Bởi khoa học không chỉ là những phát triển công nghệ hiện đại nhất, mà phải là những nghiên cứu mang tính ứng dụng nhất, chi phí hợp lý nhất và có khả năng được nhân rộng để đem đến những thay đổi tích cực cho hàng ngàn, thậm chí hàng triệu người trên thế giới không phân biệt giàu nghèo.
Thấu hiểu sâu sắc điều đó, nghiên cứu của vợ chồng giáo sư Karim đã được UNAIDS và tổ chức WHO công nhận là đột phá khoa học quan trọng, đặc biệt mang tính nhân văn. Với các thử nghiệm lâm sàng thành công, gel Tenofovir là một giải pháp hiệu quả có chi phí phù hợp với khả năng chi trả của những người dân lao động thu nhập thấp tại châu Phi, vốn chiếm số đông trong tổng số ca nhiễm bệnh. Công trình đóng một vai trò quan trọng trong việc phòng chống đại dịch HIV/AIDS, đặc biệt là đối với trẻ em gái vị thành niên và phụ nữ trẻ ở Châu Phi.
Những thành quả nghiên cứu đã được Giải thưởng VinFuture vinh danh cho hạng mục “Nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển” của Giáo sư Salim và Giáo sư Quarraisha không chỉ mang giá trị ứng dụng thiết thực đóng góp cho lĩnh vực khoa học sức khỏe toàn cầu, mà còn phản ánh trọn vẹn và mạnh mẽ thông điệp nhân văn “Khoa học phụng sự nhân loại” mà giải thưởng VinFuture đang hướng tới và kiếm tìm.
Cổng nhận đề cử năm 2022: https://online.vinfutureprize.org/nomination
Để biết thêm thông tin chi tiết về Giải thưởng:
- Hướng dẫn chi tiết về quy trình và biểu mẫu đề cử: https://online.vinfutureprize.org/nomination
- Câu hỏi thường gặp: https://vinfutureprize.org/faqs/
Danh sách những Chủ nhân Giải thưởng VinFuture năm đầu tiên đã được công bố tại Lễ Trao Giải ngày 20 tháng 1 năm 2022. Thông tin về các phát minh được trao giải có thể tham khảo tại đây: https://vinfutureprize.org/vi/nguoi-dat-giai/