Giáo sư Jennifer Tour Chayes: Để trở thành công cụ đáng tin cậy, AI cần con người

Việc tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào cuộc sống hàng ngày đang thay đổi cách con người giao tiếp, làm việc và đổi mới. Trong cuộc phỏng vấn gần đây, Giáo sư Jennifer Tour Chayes (ĐH California, Berkeley và là Thành viên Hội đồng Giải thưởng VinFuture) dự đoán trong tương lai, con người sẽ chứng kiến cả những cơ hội chưa từng có và những thách thức khó nhằn liên quan đến AI. Mặc dù AI có thể hỗ trợ con người trong một số ngành nghề, bà Chayes nhận định AI không thể thay thế con người, mà có khả năng kết hợp/phối hợp hài hòa với trình độ chuyên môn của con người.

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
Jennifer Tour Chayes-min

Chia sẻ

Tương lai của AI trong cuộc sống hàng ngày

– Theo hình dung của giáo sư, AI sẽ định hình cách con người giao tiếp và tương tác trong tương lai như thế nào?

– GS Chayes: Tôi dự đoán các nhà phát triển sẽ liên tục cải thiện các mô hình ngôn ngữ lớn (Large language model – LLM) như ChatGPT, để chúng đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ giao tiếp tự động hơn. Tuy nhiên, những LLM này hoạt động hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào dữ liệu và thông tin chúng sử dụng, cũng như các thuật toán áp dụng để cải thiện các LLM này. Việc biến những mô hình này thành công cụ hữu ích hơn cho nhân loại cần có sự quyết tâm và cam kết lớn từ chúng ta, như việc không ngừng đào tạo các mô hình, bao gồm học tăng cường (reinforcement learning) dựa trên phán đoán của con người nhằm tránh hiện tượng “ảo giác AI” (AI hallucination) khi AI đưa ra thông tin sai lệch.

Các LLM cũng sẽ có tác động sâu sắc đến nhiều lĩnh vực khác. Khi đó, với kỹ thuật nhắc lệnh (prompt engineering) phù hợp, các LLM có thể được đào tạo để sắp xếp thông tin trên quy mô khổng lồ. Ví dụ, tôi đang hợp tác với Chủ nhân giải thưởng VinFuture Omar Yaghi trong một số dự án nhằm chứng minh khi sử dụng các prompt và tương tác phù hợp với con người, LLM có thể đẩy nhanh quá trình tổng hợp một số dữ liệu gấp 100 lần so với trước đây.

– Theo giáo sư, các chatbot AI như ChatGPT có tiềm ẩn rủi ro nào không? Chúng ta có thể làm gì để giảm thiểu những rủi ro đó?

GS Chayes: Rủi ro tiềm ẩn từ Chatbot AI có thể nằm ở việc chúng phụ thuộc vào thông tin không chính thức, không được kiểm duyệt. Nếu không có sự giám sát của con người, chatbot có thể vô tình hoặc cố ý lan truyền thông tin không chính xác. Các chatbot có thể hỗ trợ nâng cao năng lực của con người, nhưng để trở thành những công cụ đáng tin cậy, chúng cần có sự can thiệp của con người ở một mức độ nào đó.

– Theo dự đoán của giáo sư, AI sẽ tạo ra tác động lớn nhất tới các ngành hay lĩnh vực nào trong cuộc sống hàng ngày? Và tại sao?

GS Chayes: AI có thể giúp chúng ta thực hiện các công việc thông thường (viết email, tìm kiếm tài liệu tham khảo, một số công việc trợ lý pháp lý và thậm chí là coding (tạo mã trong ngôn ngữ lập trình)), mặc dù cần có sự giám sát để ngăn chặn hiện tượng ảo giác của các LLM. Song đó mới chỉ là khởi đầu.

Tôi tin rằng cùng sự tương tác phù hợp với con người, ảnh hưởng của AI sẽ lan rộng sang nhiều lĩnh vực khác, bao gồm các lĩnh vực được dự đoán trước như ôtô tự lái và các lĩnh vực không được dự đoán trước như y sinh học và biến đổi khí hậu. Trong những lĩnh vực này, sự đổi mới do AI chi phối sẽ giúp cải thiện sức khỏe con người và sức khỏe hành tinh của chúng ta.

– Nếu xảy ra tình trạng ngày càng phụ thuộc vào AI trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta phải đối mặt với những rủi ro hoặc mối lo ngại tiềm ẩn nào? Làm thế nào để giải quyết những rủi ro đó?

GS Chayes: Một thách thức nằm ở nguồn dữ liệu mà AI sử dụng – các LLM như ChatGPT dựa vào nguồn dữ liệu nào, với mức độ chính xác và tin cậy ra sao? Tôi hy vọng vấn đề này sẽ cải thiện theo thời gian. Song nó đòi hỏi chúng ta cần tìm ra cách sử dụng LLM hữu ích nhất cho con người và xã hội.

– Với sự xuất hiện của AI, các kỹ năng làm việc nào có thể bị thay thế? Những lĩnh vực nghề nghiệp mới nào sẽ xuất hiện và điều đó mang lại lợi ích gì cho chúng ta trong tương lai? Giáo sư dự đoán AI sẽ tác động thế nào đến thị trường việc làm trong việc thay thế một số kỹ năng làm việc nhất định?

GS Chayes: Một số ngành nghề nhất định sẽ thay đổi, trong đó mọi người sẽ sử dụng nhiều trợ lý AI hơn, chẳng hạn như coding (kỹ thuật phần mềm), trợ lý pháp lý,… Tuy nhiên, tôi nghĩ rằng các trợ lý AI sẽ tương tác và hỗ trợ, thay vì thế chỗ con người.

– Theo dự đoán của giáo sư, những lĩnh vực và cơ hội nghề nghiệp mới nào sẽ nổi lên nhờ sự phát triển của AI?

GS Chayes: Tôi dự đoán các lĩnh vực kỹ thuật như khoa học máy tính và khoa học dữ liệu sẽ tiếp tục phát triển (nhờ những tiến bộ về AI). Đồng thời, AI sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều vào các ngành nghề như luật, kinh tế, báo chí, y học và sức khỏe cộng đồng,… để khai thác hiệu quả nhất khả năng của công nghệ AI nhằm giải quyết nhu cầu của con người và những vấn đề xã hội.

Tôi dự đoán con người sẽ có cơ hội lớn trong việc ứng dụng AI vào khoa học. Tại Trường Máy tính, Khoa học Dữ liệu và Xã hội thuộc Đại học California, Berkeley, chúng tôi đang phát triển các kỹ thuật mới để sử dụng một cách tương đối dữ liệu thưa (sparse data) nhằm tạo ra tác động tích cực đến các lĩnh vực có tầm quan trọng trong xã hội, chẳng hạn như y sinh và sức khỏe, khí hậu và bền vững, phúc lợi xã hội.

– Theo giáo sư, trí tuệ nhân tạo và tự động hóa có thể được tận dụng theo những cách nào để nâng cao kỹ năng và chuyên môn của con người, thay vì thế chỗ họ?

GS Chayes: AI do con người phát triển là để hỗ trợ chúng ta, và chúng hiện không đủ khả năng thế chỗ con người. AI không có khả năng sáng tạo và suy luận như con người. Tôi đoán chúng ta sẽ chứng kiến AI ngày càng phát huy khả năng hỗ trợ con người, giúp chúng ta làm việc hiệu quả và năng suất hơn, tương tự cách chúng ta đã chứng kiến và định hình những đổi mới công nghệ khác trong quá khứ.

– Giáo sư nhận định như thế nào về vai trò của giáo dục và việc không ngừng học tập để giúp con người thích ứng với thị trường việc làm đang thay đổi do ảnh hưởng của AI?

GS Chayes: Trong thị trường việc làm đang thay đổi nhanh chóng, việc học tập không ngừng là rất cần thiết. AI thực sự có thể hỗ trợ quá trình học tập, với vai trò như “gia sư” được cá nhân hóa nhằm nhanh chóng giúp con người học các kỹ năng mới.

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm