Cùng các chuyên gia hàng đầu khám phá về tiềm năng của nền kinh tế hydro

Bất kỳ ai quan tâm về năng lượng xanh hẳn đã từng nghe về hydrogen, dù không nhiều người hiểu rõ vì sao nó có thể trở thành nguồn năng lượng then chốt trong quá trình đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”. Bốn chuyên gia hàng đầu thế giới về hydrogen sẽ góp mặt trong InnovaTalk webinar tháng 8 do Quỹ VinFuture tổ chức để thảo luận về các thách thức cũng như cơ hội, tiềm năng của hydrogen và vai trò của nó trong cam kết của Việt Nam về giảm phát thải ròng bằng “0”.

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
KV Web ava

Chia sẻ

Giáo sư Vivian Yam, Giáo sư Wilson Wong về Hóa học và Năng lượng, Chủ nhiệm Khoa Hóa học tại Đại học Hồng Kông, và là Thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture sẽ điều phối buổi Hội thảo diễn ra vào ngày 23/8. Các diễn giả chính gồm Giáo sư Nigel Brandon từ Đại học Hoàng gia London (Anh) và Giáo sư Kazunari Domen từ Đại học Tokyo (Nhật Bản). Đại diện cộng đồng năng lượng Việt Nam là ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc (kỹ thuật) của Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II.

“Không phải mọi hydrogen đều là năng lượng xanh”

“Hydrogen là một lựa chọn rất hấp dẫn bởi nó không chỉ là nguồn năng lượng mà còn là chất mang năng lượng”, theo Giáo sư Yam. “Điều đó có nghĩa là tiềm năng và vai trò của hydro có rất nhiều điểm tương đồng với điện”.

Hydrogen và điện có nhiều tương đồng. Ví dụ như cả hydrogen và điện đều không tạo ra khí nhà kính. Không có bất kỳ phát thải nào. Không có ôxít lưu huỳnh hoặc ôzôn trên mặt đất được tạo ra. Nếu bạn sử dụng hydrogen trong pin nhiên liệu, thứ duy nhất thải ra là nước. Nếu đốt cháy hydrogen, sản phẩm phụ duy nhất ngoài năng lượng cũng là nước.

Xét từ phía người dùng, cả hydrogen và điện đều là nguồn năng lượng sạch. Nhưng theo Giáo sư Yam, chúng có cùng một vấn đề,. Từ góc độ sản xuất, hydro và điện đôi khi có cường độ thải carbon dioxide (CO2) rất cao, bởi chúng được sản xuất từ ​​nhiên liệu hóa thạch, như than đá, khí tự nhiên, dầu mỏ. Bài toán đặt ra là làm sao khắc phục vấn đề này, làm sao để đưa năng lượng tái tạo trở thành nguồn sản xuất. Từ đây, các “thẻ màu” khác nhau được đặt ra cho hydrogen.

Theo Giáo sư Yam, hydrogen xám, đen hoặc nâu là hydrogen được sản xuất từ ​​​​khí tự nhiên, than đá và than non. Ngày càng nhiều người nói về hydrogen lam, tức loại hydrogen vẫn được sản xuất từ ​​​​nhiên liệu hóa thạch nhưng đã cắt giảm lượng khí thải CO2 bằng công nghệ “thu hồi, sử dụng và lưu trữ carbon” (CCUS). Theo bà, loại hydrogen tốt nhất là hydrogen xanh lá (green) được sản xuất từ ​​điện tái tạo, quang điện, v.v.

Giáo sư Yam cũng lưu ý rằng hydrogen cũng có điểm khác biệt với điện. Bà giải thích hydrogen là một chất hóa học, không chỉ là nguồn năng lượng mà còn là chất mang năng lượng, bao gồm các phân tử, nên không giống như điện có các electron. Việc chọn dùng hydrogen hay điện tùy thuộc vào từng mục đích sử dụng.

Một trong những lợi thế của hydrogen là khả năng được lưu trữ và vận chuyển ổn định, giống như cách vận chuyển than, dầu và khí đốt tự nhiên. Tuy nhiên, có nhiều thách thức nảy sinh về chi phí, khó khăn kỹ thuật, độ bền và khả năng cạnh tranh của hydrogen. Đây cũng chính là những vấn đề mà các chuyên gia sẽ thảo luận trong Hội thảo InnovaTalk tháng 8.

Bên cạnh đó, khán giả cũng sẽ được lắng nghe phần trình bày từ Giáo sư Nigel Brandon (Đại học Hoàng gia London, Anh), chuyên gia hàng đầu về công nghệ điện hóa, pin nhiên liệu và máy điện phân. Ông Brandon sẽ chia sẻ về những rào cản cần vượt qua trong ngành công nghệ pin nhiên liệu và máy điện phân.

Khi các quốc gia và các công ty tìm cách sản xuất hydrogen bằng những biện pháp ngoài điện, một giải pháp được đề cập là phương pháp điện phân, tức là quy trình sử dụng ánh sáng mặt trời và năng lượng mặt trời để phân tách nước thành hydro và oxy. Quá trình này cần sử dụng đến các chất xúc tác quang. Do vậy, làm sao để có một hệ thống quang xúc tác hiệu quả và mô phỏng lại quy trình quang hợp tự nhiên sẽ là chủ đề trình bày của Giáo sư Kazunari Domen từ Đại học Tokyo (Nhật Bản), một chuyên gia hàng đầu về quang xúc tác.

“Không có công nghệ tối ưu cho mọi quốc gia”

Ông Hà Đăng Sơn, Phó giám đốc Kỹ thuật Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (USAID V-LEEP II), nhấn mạnh vai trò của cả thông lệ quốc tế lẫn bối cảnh địa phương. “Công nghệ hoặc giải pháp áp dụng được ở nước này có thể không có lợi thế tương tự ở nước kia. Vì vậy, việc xem xét bối cảnh và điều kiện cụ thể của từng quốc gia là rất quan trọng, khi chúng ta cố gắng vận dụng một giải pháp hoặc công nghệ nào đó”, ông Sơn nói.

Ông cũng bày tỏ hy vọng buổi tọa đàm sẽ tập hợp các bên liên quan từ các lĩnh vực khác nhau, để khán giả có thể hiểu thêm về cơ hội cũng như thách thức mà mỗi bên phải đối mặt, từ đó tạo điều kiện hỗ trợ và tạo ra môi trường thuận lợi để có thể áp dụng các giải pháp và công nghệ đó.

“Ở mỗi giai đoạn, chúng ta đều cần rất nhiều nỗ lực từ các bên liên quan và quan trọng là cần có một thị trường cho các giải pháp hoặc công nghệ đó để phát triển bền vững trong nước, trở thành công nghệ chiếm ưu thế trong nước, từ đó thay thế các nguồn năng lượng truyền thống như than đá hoặc khí đốt, khí tự nhiên,” ông Sơn nói thêm.

“Đây thật sự là thời điểm thích hợp để chúng ta hiểu thêm về tiềm năng của hydrogen và vai trò của nó trong công cuộc giảm phát thải, hướng tới một tương lai năng lượng sạch, an toàn và giá cả phải chăng hơn”, Giáo sư Yam nói.

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm