MC: Bà đóng vai trò quan trọng trong việc thành lập cả SEATCA và GGTC, vậy đâu là động lực để bà cống hiến sự nghiệp của mình cho công tác kiểm soát thuốc lá?
Bà Ritthiphakdee: Hành trình của tôi trong lĩnh vực kiểm soát thuốc lá bắt đầu từ hơn ba thập kỷ trước tại Thái Lan, nơi tôi đồng sáng lập tổ chức “Action on Smoking and Health Thailand” (Phòng chống thuốc lá, hành động vì sức khỏe Thái Lan) vào năm 1990. Thông qua các chương trình chiến lược và hoạt động cộng đồng, chúng tôi đã thành công vận động thực thi luật kiểm soát thuốc lá và tăng cường năng lực của các mạng lưới trong nước.
Nhận ra rằng kiểm soát thuốc lá là một thách thức toàn cầu, chúng tôi đã thành lập Liên minh phòng chống tác hại thuốc lá khu vực Đông Nam Á (SEATCA) vào năm 2000 để thúc đẩy sự hợp tác và học hỏi giữa các quốc gia Đông Nam Á. SEATCA đã đóng vai trò quan trọng trong việc chia sẻ thực tiễn, tăng cường chính sách kiểm soát thuốc lá trong khu vực và đối phó với ảnh hưởng của các công ty thuốc lá xuyên quốc gia.
Dựa trên những thành tựu trong khu vực, chúng tôi đã thành lập Trung tâm Quản trị và Kiểm soát thuốc lá toàn cầu (GGTC) vào năm 2017. GGTC đóng vai trò là một trung tâm tri thức toàn cầu, nhằm thúc đẩy hiệu quả quản trị và ngăn chặn sự can thiệp của nền công nghiệp thuốc lá.
MC: Dựa trên kinh nghiệm của bà với SEATCA, bà đánh giá như thế nào về tình hình tiêu thụ thuốc lá hiện nay ở các nước Đông Nam Á nói chung và tình hình Việt Nam nói riêng?
Bà Ritthiphakdee: Tình hình tiêu thụ thuốc lá hiện nay ở các nước Đông Nam Á cho thấy một bức tranh nhiều màu sắc, với cả những phát triển tích cực và những thách thức.
Về mặt tích cực, hầu hết các nước ASEAN đã có những bước tiến đáng kể trong việc thực hiện các chính sách kiểm soát thuốc lá. Ví dụ, Việt Nam đã thông qua luật kiểm soát thuốc lá vào năm 2012, và sau đó là các nước khác như Campuchia và Lào. Thái Lan và Singapore từ lâu đã là những nước dẫn đầu trong kiểm soát thuốc lá với các biện pháp toàn diện. Sự tiến bộ này đại diện cho một bước tiến đáng kể so với ba thập kỷ trước khi các biện pháp như vậy hầu như không tồn tại.
Nhìn chung, khu vực đã đạt được tiến bộ đáng khen ngợi trong việc áp dụng các biện pháp kiểm soát thuốc lá toàn diện, chẳng hạn như cấm quảng cáo, hạn chế hút thuốc ở nơi công cộng và cảnh báo sức khỏe bằng hình ảnh trên bao bì thuốc lá. Tuy nhiên, những nỗ lực liên tục là rất quan trọng để giảm thiểu việc tiêu thụ thuốc lá và giải quyết các thách thức mới như thuốc lá điện tử.
MC: Mặc dù có những tiến bộ trong nỗ lực kiểm soát thuốc lá và tỷ lệ hút thuốc giảm, các nước Đông Nam Á vẫn tiếp tục đối mặt với những thách thức đáng kể, đặc biệt là những nước không có khung pháp lý vững chắc. Theo quan điểm của bà, đâu là những trở ngại cấp bách nhất cản trở việc kiểm soát thuốc lá hiệu quả ở các quốc gia này?
Bà Ritthiphakdee: Một trong những trở ngại cấp bách nhất là vấn đề thuế thuốc lá. Trong khi Singapore và Thái Lan đã áp dụng mức thuế cao đối với thuốc lá, trên 75% theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới, thì các nước như Việt Nam, Lào và Campuchia vẫn duy trì mức thuế tương đối thấp. Sự chênh lệch này phần lớn là do các nỗ lực vận động hành lang của ngành công nghiệp thuốc lá, vốn phản đối việc tăng thuế để bảo vệ lợi nhuận của mình.
Một thách thức lớn khác bắt nguồn từ việc ngành công nghiệp thuốc lá giới thiệu các sản phẩm mới, chẳng hạn như thuốc lá điện tử và thiết bị vaping. Những sản phẩm mới này, thường nhắm mục tiêu vào giới trẻ, gây ra mối đe dọa đáng kể và đã tạo ra một đại dịch toàn cầu mới.
Mặc dù chúng ta đã đạt được những bước tiến trong cuộc chiến chống lại các sản phẩm thuốc lá truyền thống, nhưng sự xuất hiện của thuốc lá điện tử và vaping lại mở ra một mặt trận mới. Điều quan trọng là các quốc gia phải áp dụng các khung pháp lý mạnh mẽ để giải quyết thách thức này và bảo vệ các thế hệ tương lai khỏi tác hại của chứng nghiện nicotine.
MC: Giới trẻ vẫn đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi việc tiêu thụ nicotine, đặc biệt là thông qua việc sử dụng các Thiết bị phân phối Nicotine điện tử (ENDS), thường được gọi là thuốc lá điện tử hoặc vape. Bà có thể giải thích thêm về những hậu quả tiêu cực đối với sức khỏe liên quan đến việc vaping so với hút thuốc truyền thống không?
Bà Ritthiphakdee: Điều quan trọng cần hiểu là thuốc lá truyền thống đã tồn tại gần một thế kỷ. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác hại của chúng đối với sức khỏe như ung thư phổi và bệnh tim. Mặc dù các bằng chứng về thuốc lá điện tử không nhiều do chúng mới xuất hiện gần đây, nhưng các nghiên cứu hiện có chỉ ra rõ ràng rằng chúng không an toàn.
Một khía cạnh đáng quan ngại của thuốc lá điện tử là sự đa dạng về hương vị. Hiện có hơn 16.000 hương vị, như dâu tây, táo và sô cô la. Những hương vị này, cùng với quan niệm sai lầm rằng vape không phải là hút thuốc, góp phần làm tăng sức hấp dẫn của chúng đối với thanh thiếu niên, những người có thể chưa từng nghĩ đến việc hút thuốc lá truyền thống.
Tuy nhiên, mặc dù có hương vị hấp dẫn, thuốc lá điện tử không hề vô hại. Cộng đồng y tế toàn cầu, bao gồm cả Tổ chức Y tế Thế giới, đã ghi nhận các trường hợp tổn thương phổi nghiêm trọng, chẳng hạn như EVALI (tổn thương phổi liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử hoặc vaping), liên quan đến việc sử dụng thuốc lá điện tử. Mặc dù tôi không chắc về các trường hợp cụ thể ở Việt Nam, nhưng Thái Lan và các quốc gia khác đã báo cáo những sự cố như vậy.
Điều quan trọng cần nhớ là thuốc lá điện tử, giống như thuốc lá truyền thống, có chứa nicotine, một chất gây nghiện. Việc sử dụng chúng có thể dẫn đến phụ thuộc nicotine và các hậu quả sức khỏe lâu dài tiềm ẩn.
MC: Sự lan tràn của thuốc lá điện tử trên các nền tảng mạng xã hội, đặc biệt là những nền tảng nhắm đến đối tượng thanh thiếu niên ở các khu vực đang phát triển tại Đông Nam Á, đã làm dấy lên nhiều lo ngại về sức khỏe cộng đồng. Bà có thể giải thích về sự khởi đầu của “xu hướng” này và giải thích rõ hơn về những hậu quả tiêu cực tiềm ẩn của nó không?
Bà Ritthiphakdee: Một trong những yếu tố, đặc biệt là đối với thanh thiếu niên, là họ bắt đầu sử dụng thuốc lá điện tử vì họ tin hoặc nghĩ rằng việc hút thuốc lá điện tử không nguy hiểm. Điều này có nghĩa là chúng ta cần tăng cường giáo dục cộng đồng một cách toàn diện hơn, đặc biệt là thông qua các phương tiện truyền thông số và trực tuyến. Chúng ta cũng cần đảm bảo rằng công chúng nhận thức được các rủi ro.
Sự phổ biến của thuốc lá điện tử đã thực sự bùng nổ ở nhiều quốc gia trong 10 năm qua. Tuy nhiên, thiệt hại từ việc sử dụng thuốc lá điện tử không được nhận thức rõ ràng như thuốc lá truyền thống. Sự thiếu nhận thức này là một mối nguy cơ mà chúng ta đều nhận thấy.
Đối với tôi, có hai loại tác động xấu chính do thuốc lá điện tử gây ra. Một là những tổn hại rõ ràng đối với sức khỏe, như EVALI. Những tình trạng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Tuy nhiên đáng lo ngại hơn là những tổn thương đối với não bộ.
Thực tế, một trong những lý do chính mà Singapore cấm thuốc lá điện tử là vì họ không thấy bất kỳ lợi ích thực sự nào từ việc sử dụng chúng. Họ lo ngại và có một số bằng chứng cho thấy rằng thuốc lá điện tử có thể gây tổn hại cho não, đặc biệt là ở người trẻ tuổi. Người bắt đầu hút thuốc lá điện tử ở độ tuổi càng trẻ, thì nguy cơ tổn thương não càng cao. Họ muốn bảo vệ thế hệ tương lai của mình, và đó là lý do họ quyết định cấm thuốc lá điện tử.
MC: Trong bài trình bày trước cộng đồng khoa học Việt Nam ở hội thảo InnovaConnect Tháng 9, xin bà chia sẻ những điểm nội dung chính?
Bà Ritthiphakdee: Tôi chia sẻ về một số điểm chính liên quan đến thuốc lá điện tử, đặc biệt nhấn mạnh những nguy cơ tiềm ẩn của chúng và cần phải có quy định phòng chống hiệu quả.
Thứ nhất, tôi chỉ ra quan niệm rằng thuốc lá điện tử ít gây hại hơn thuốc lá truyền thống là sai lầm. Bằng chứng cho thấy vape có thể dẫn đến tình trạng việc sử dụng cả 2 loại thuốc lá hoặc thậm chí quay trở lại hút thuốc lá truyền thống, làm giảm vai trò của chúng trong việc cai thuốc lá.
Thứ hai, tôi nêu bật xu hướng đáng báo động về việc sử dụng thuốc lá điện tử trong thanh thiếu niên. Nhiều bạn trẻ chưa bao giờ hút thuốc trước đây. Sự hiện diện của nicotine trong thuốc lá điện tử gây nghiện, có khả năng tạo ra một thế hệ mới nghiện nicotine.
Để giải quyết vấn nạn ngày càng gia tăng này, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và nhiều quốc gia khuyến nghị cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử. Mặc dù năm quốc gia ASEAN đã thực hiện lệnh cấm, nhưng những thách thức vẫn còn, đặc biệt là với các sản phẩm bất hợp pháp xâm nhập thị trường thông qua các nền tảng trực tuyến.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng các quốc gia cấm thuốc lá điện tử có tỷ lệ thanh thiếu niên sử dụng thấp hơn so với các quốc gia cho phép. Tuy nhiên, nếu không thể cấm hoàn toàn, việc quy định nghiêm ngặt là rất quan trọng. Úc cho phép sử dụng thuốc lá điện tử trong một số điều kiện nhất định, nhưng đòi hỏi một hệ thống thực thi mạnh mẽ và nguồn lực đáng kể.
Bài trình bày của tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nhận thức các rủi ro liên quan đến thuốc lá điện tử và thực hiện hành động quyết đoán để bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong giới trẻ. Cho dù thông qua lệnh cấm hoàn toàn hay quy định toàn diện, chính phủ phải ưu tiên các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn một “đại dịch” nghiện nicotine mới.