GS Đặng Văn Chí: Liệu pháp miễn dịch đã ‘cách mạng hóa’ điều trị bệnh nhân ung thư

Trong cuộc phỏng vấn gần đâyNiềm đam mê của GS Đặng Văn Chí (Đại học John Hopkins, Hoa Kỳ) với bệnh ung thư máu xuất phát từ niềm đam mê ngành huyết học. Ngoài ra, phải đối mặt với việc nhiều người thân quen qua đời vì ung thư như tiếp thêm động lực để giáo sư gốc Việt quyết tâm theo đuổi nghiên cứu, tìm tòi giải pháp cho căn bệnh này. Ông cũng chia sẻ “bí quyết” thành công trong lĩnh vực nghiên cứu, gồm niềm đam mê, sự kiên trì và kiên quyết không bỏ cuộc.

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
chi-van-dang-thumb

Chia sẻ

Sau một thời gian dài nghiên cứu ung thư, GS. Chí nhận thấy hai vấn đề quan trọng. Một là sự khác biệt giữa các loại ung thư. Hai là việc các bệnh nhân đáp ứng khác nhau với cùng một liệu pháp. Theo ông, để giải quyết những vấn đề này đòi hỏi lượng dữ liệu khổng lồ và ứng dụng các công nghệ mới. Bên cạnh đó, GS. Chí nhấn mạnh suốt những thập kỷ qua, thế giới đã chứng kiến một cuộc cách mạng trong điều trị ung thư, đặc biệt là với liệu pháp miễn dịch.

– GS Đặng Văn Chí: Những năm học ở trường y giúp tôi tiếp xúc với nhiều lĩnh vực nghiên cứu khác nhau. Thông thường, tôi bị thu hút bởi những cố vấn hay giáo viên tài năng. Tôi rất ấn tượng với ngành huyết học, và mối quan tâm của tôi với bệnh ung thư máu, hay bệnh bạch cầu, lớn dần từ đó. Tôi cực kỳ đam mê nghiên cứu lĩnh vực này, nhằm thực sự hiểu cơ chế gây ra bệnh ung thư máu, để từ đó chúng ta tìm ra các liệu pháp mới như thế nào. Đó chính là khởi nguồn cho mối quan tâm của tôi với bệnh ung thư và ngành ung thư học.

Hoàn cảnh của một số người quen cũng là động lực đối với tôi. Tôi từng chứng kiến một người bạn qua đời vì bệnh ung thư khi còn rất trẻ, một thực tập sinh và một vài thành viên gia đình cũng rơi vào tình huống tương tự. Trên cương vị một bác sĩ – nhà khoa học, tôi nhận thấy bất chấp việc chúng ta có trình độ chuyên môn cao đến đâu, nghiên cứu về ung thư vẫn còn vô vàn vấn đề. Những gì tôi đang làm không chỉ xuất phát từ trải nghiệm cá nhân, mà còn là khát khao nâng tầm hiểu biết.

Là một bác sĩ kiêm nhà khoa học, giáo sư làm thế nào để cân bằng giữa nghiên cứu thực nghiệm và chăm sóc bệnh nhân? Xin ông hãy kể một ví dụ về bước đột phá trong nghiên cứu đã ảnh hưởng trực tiếp tới chiến lược nghiên cứu của mình.

– GS Đặng Văn Chí: Hồi trước, tôi tích cực thăm khám lâm sàng, tiếp nhận cả bệnh nhân nội trú lẫn ngoại trú, đồng thời điều hành phòng thí nghiệm. Khi đó tôi rất chú ý đến bệnh ung thư máu. Một số loại ung thư máu diễn biến rất nhanh. Trên thực tế, nếu không cấp cứu ngay cho bệnh nhân mắc bạch cầu cấp tính, họ có thể chết trong vài ngày hoặc vài tuần.

Trong phòng thí nghiệm, tôi tập trung tìm hiểu về cách các tế bào phân chia và nhân lên nhanh chóng như thế nào. Chúng tôi rất quan tâm đến chất dinh dưỡng hoặc “nhiên liệu” cung cấp năng lượng phát triển cho các tế bào này, và loại thực phẩm nào chúng sẽ hấp thụ. Tại bệnh viện, tôi cũng có nhiều bệnh nhân mắc bệnh về máu bị tiến triển thành bệnh bạch cầu cấp (leukemia). Nhiều bệnh nhân tôi chăm sóc suốt nhiều năm đột nhiên trở nặng thành bệnh bạch cầu cấp ác tính (acute leukemia) và cần điều trị ngay lập tức.

Tôi có một bệnh nhân là thẩm phán người Mỹ. Ban đầu, ông ấy mắc bệnh ung thư máu kinh dòng bạch cầu hạt (CML). Vào thời điểm đó, cách đây nhiều thập kỷ, chúng ta chỉ có một số phương pháp điều trị, hóa trị hoặc liệu pháp sinh học sử dụng sản phẩm có rất nhiều tác dụng phụ gọi là interferon.

Khi tiêm interferon vào cơ thể, người bệnh sẽ ốm nặng và sốt liên tục. Tuy nhiên, đây là sản phẩm duy nhất sẵn có vào thời điểm đó. Tôi đã điều trị bằng interferon cho bệnh nhân này trong vài tuần. May mắn thay, ông ấy là một trong số ít người đáp ứng thuốc và cuối cùng đã vượt qua.

Tuy nhiên, ca bệnh này đặc biệt ở chỗ nó minh họa cách quá trình nghiên cứu tiến triển theo thời gian và cung cấp sản phẩm điều trị mới cho bệnh nhân. Với CML, căn bệnh này có một khiếm khuyết phân tử cụ thể, và các nhà khoa học đã thiết kế loại thuốc đặc biệt có tên Gleevec nhắm vào khiếm khuyết đó. Nhờ việc phê duyệt Gleevec, căn bệnh CML ở nhiều bệnh nhân đã được kiểm soát trong nhiều năm chỉ bằng cách uống thuốc. Trước tất cả nghiên cứu này, nhiều bệnh nhân đã phải trải qua liệu pháp chữa trị căng thẳng với nhiều tác dụng phụ.

Tôi cho rằng đây chính là những gì thế giới có thể chứng kiến ở ngành ung thư học, khi từ liệu pháp ít tác dụng phụ đến phát triển những phương pháp ít độc hại và hiệu quả hơn. Sau đó, thêm nhiều bệnh nhân thực sự đáp ứng tốt với liệu pháp. Bước đột phá mới nhất hiện nay tất nhiên là liệu pháp miễn dịch, bên cạnh việc sử dụng hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật (để điều trị ung thư). Liệu pháp miễn dịch là phương pháp khai phá tiềm năng của hệ thống miễn dịch và kích thích hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng, phát triển chống lại (tế bào) ung thư. Đây là lĩnh vực hoàn toàn mới, được phát triển trong thập kỷ rưỡi qua. Liệu pháp này đã cách mạng hóa cách chúng tôi điều trị bệnh nhân.

Tôi hiện không khám chữa bệnh nữa mà tập trung vào nghiên cứu ở phòng thí nghiệm. Chúng tôi chú ý rất nhiều tới những gì tôi gọi là “nhu cầu lâm sàng chưa được đáp ứng”, các lĩnh vực lâm sàng hoặc sinh học ung thư nào cần được chú ý, và những câu hỏi nào cần được giải đáp. Việc từng được đào tạo về y khoa khiến tôi chú trọng tới những câu hỏi này.

Ví dụ, tại sao một số bệnh nhân nhất định không thể hiện tiến triển với cùng một liệu pháp chữa bệnh, hay tại sao chỉ có 40% bệnh nhân khỏi bệnh nhưng 60% còn lại thì không? Đây là những câu hỏi cần tìm câu trả lời, vì chúng tôi hy vọng một ngày nào đó trong tương lai, chúng tôi sẽ có thể chữa khỏi cho 99% bệnh nhân. Đó là khát vọng lớn mà tất cả chúng ta đang hướng tới.

Cá thể hóa điều trị ung thư

– Theo giáo sư, một số trở ngại lớn nhất trong nghiên cứu ung thư ngày nay là gì? Ông và nhóm của mình đã có kế hoạch gì nhằm giải quyết những thách thức này?

– GS Đặng Văn Chí: Câu hỏi lớn nằm ở mặt lâm sàng. Ung thư không phải chỉ là một bệnh, mà là tập hợp của hơn 200 loại bệnh khác nhau, đồng nghĩa mỗi bệnh sẽ cần một phương án điều trị khác nhau.

Do đó, câu hỏi đầu tiên là các loại ung thư khác nhau như thế nào? Nét đặc trưng, đặc điểm của mỗi loại ung thư là gì, các loại ung thư khác nhau cần điều trị như thế nào, và làm thế nào chúng ta chữa khỏi ung thư gan khi so với ung thư não hay ung thư phổi? Chúng ta cần coi đây là những căn bệnh khác nhau và hiểu chúng đến từng chi tiết để thực sự có thể điều chỉnh liệu pháp phù hợp.

Tiếp theo, tại sao khi 200 người mắc cùng một bệnh, như ung thư phổi chẳng hạn, thì chỉ 20% đáp ứng với phác đồ điều trị cụ thể cho căn bệnh đó, trong khi 80% còn lại thì không. Do đó, câu hỏi thứ hai là sự khác biệt giữa từng người, “tại sao tôi khác anh, tại sao cách anh phản ứng với một số loại thuốc lại khác với tôi?”. Tôi cho rằng vấn đề này yêu cầu nghiên cứu kéo dài trong nhiều năm để phân tích và hiểu được sự thay đổi của từng cá nhân.

Khi đó, tôi nghĩ sinh học sẽ phát triển tới mức hiểu tất cả yếu tố khác biệt giữa từng người và cách họ phản ứng liệu pháp. Đó sẽ là thời điểm chúng ta chứng kiến sự tiến hóa hay cuộc cách mạng của công nghệ giải trình tự tin sinh mà chúng tôi thường gọi là ngành khoa học “omics” (tổng hợp các nghiên cứu dữ liệu lớn về gene, protein…). Chúng ta có thể nghiên cứu 20.000-30.000 gene cùng một lúc. Chúng ta có thể nghiên cứu hàng trăm  chất chuyển hóa  cùng lúc, nói chung, chúng ta có thể thu được lượng lớn dữ liệu về tất cả mọi thứ.

Vậy còn những thách thức trong nghiên cứu ung thư là gì? Về mặt khoa học, câu hỏi đầu tiên là điểm khác biệt giữa các loại ung thư và liệu chúng ta có đủ hiểu biết để tạo ra các loại thuốc điều trị riêng cho từng loại ung thư hay không?

Kế đến, chúng ta đã hiểu rõ những điểm khác biệt nào giữa các loại ung thư ở cả cấp độ phân tử, cấp độ tế bào, để có thể điều trị bệnh hiệu quả? Ví dụ, hiện chúng ta đã có thuốc điều trị ung thư phổi, bao gồm cả liệu pháp miễn dịch, nhưng cần lưu ý là khi điều trị cho hàng trăm bệnh nhân với cùng một nhóm thuốc, chỉ phần nhỏ đáp ứng điều trị và rất ít trong số đó được chữa khỏi. Câu hỏi thực sự là tại sao với cùng liệu pháp và cùng căn bệnh, người này đáp ứng còn người kia thì không?

Do đó, câu hỏi lớn thứ hai là về sự đa dạng sinh học giữa các cá thể. Tại sao mỗi người lại có sự khác biệt về mặt y học? Tại sao bạn phản ứng với một số loại thuốc khác với tôi? Điều này đã trở thành vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi lượng lớn dữ liệu.

Tôi có thể nghiên cứu căn bệnh này bằng cách sử dụng công nghệ mới xử lý hàng trăm, hàng nghìn, nếu không muốn nói là hàng triệu điểm dữ liệu, nhằm xác định chính xác các loại bệnh. Tôi có thể thu thập dữ liệu từ các cá nhân, chẳng hạn xét nghiệm máu, huyết áp, thời gian ngủ và nhiều dữ liệu khác.

Vậy trong tương lai, nghiên cứu ung thư sẽ phát triển như thế nào? Để kết hợp tất cả (thông tin), bao gồm cả thông tin lâm sàng, chúng ta sẽ cần dựa vào máy móc và trí tuệ nhân tạo. Tôi nghĩ đây sẽ là tương lai của ngành nghiên cứu nói chung, đặc biệt là nghiên cứu ung thư. Dựa trên dữ liệu sẵn có, các công cụ có thể giúp xác định những liệu pháp tốt nhất cho từng bệnh nhân.

Bạn không nên dùng cùng một liều thuốc với người khác vì bạn khác họ. Ngày nay, chúng ta thực sự có thể cá nhân hóa y học. Trong 5-10 năm tới, chúng ta sẽ thấy các liệu pháp ngày càng đặc trị hơn với từng loại ung thư khác nhau và từng bệnh nhân. Đó là điều chúng tôi đang mong đợi. (Mục tiêu này) tạo ra sự phấn khích và nỗ lực nghiên cứu mà tôi chưa từng thấy trước đây.

Chúng tôi có các liệu pháp khả dụng khác nhau. Giờ đây, chúng tôi có thể xử lý lượng lớn dữ liệu bằng học máy và khoa học máy tính nhằm xác định chính xác cách cải thiện kết quả (điều trị). Các thuật toán xử lý rất nhanh, do đó chúng tôi có thể kiểm tra tất cả ý tưởng một cách nhanh chóng mà không cần chờ đợi. Điều đó không chỉ giải quyết các thách thức mà còn mang đến hi vọng chúng ta sẽ thấy những khác biệt lớn trong tương lai.

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm