GS Soumitra Dutta: Bảo Vệ Giá Trị Con Người Trong Thời Đại AI Bùng Nổ

Trong cuộc phỏng vấn mới đây Giáo sư Soumitra Dutta, thành viên mới của Hội đồng Giải thưởng VinFuture, Hiệu trưởng Trường Kinh doanh Saïd (ĐH Oxford, Anh) nhấn mạnh việc nghiên cứu và thực thi các chính sách để bảo vệ giá trị con người trong thời đại AI “bùng nổ”.

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
Prof-Dutta-cover-2

Chia sẻ

Đọc phần đầu bài phỏng vấn tại đây.

– Theo Giáo sư, những công nghệ mới nổi nào sẽ định hình môi trường công việc và kinh doanh trong thập kỷ tới? Các tổ chức cần làm gì để chuẩn bị cho những thay đổi này?

– Giáo sư Dutta: Khoa học công nghệ đang phát triển rất nhanh, tuy nhiên, nhiều người không kịp thời nhận ra sự phát triển đó. Trí tuệ nhân tạo (AI) là ví dụ điển hình cho xu hướng này. Lĩnh vực này đã tồn tại từ những năm 1950, nhưng tốc độ phát triển vẫn chậm do thiếu tài nguyên. Tuy nhiên, trong 5-7 năm qua, các công nghệ tiên tiến đã cung cấp đủ nguồn lực cho các hệ thống AI hiện tại, dẫn đến những tiến bộ đáng kể.

Trong tương lai, khi các công nghệ kỹ thuật số tiếp tục phát triển, chúng ta có thể mong đợi những giải pháp và hệ thống mạnh mẽ hơn – điều mà trước đây là không tưởng.

Thật khó dự đoán cuộc sống và công việc của chúng ta sẽ thay đổi như thế nào do tốc độ phát triển công nghệ. Chúng ta có thể kỳ vọng nền giáo dục trực tuyến trong tương lai sẽ dựa vào những nền tảng như Zoom, song phương thức giao tiếp qua video có thể sẽ sớm bị thay thế bởi các công nghệ tiên tiến hơn. Nhiều nghiên cứu đang cố gắng mô phỏng các giác quan như xúc giác và khứu giác trong môi trường ảo. Điều này có khả năng thay đổi đáng kể cách chúng ta nhìn nhận công việc, giáo dục và cuộc sống nói chung.

Thông qua việc thử nghiệm những công nghệ hàng đầu, chúng ta có thể xác định và đầu tư vào các giải pháp thành công. Các công ty kỹ thuật đang mua lại nhiều công ty công nghệ mới, đồng thời thử nghiệm công nghệ nhằm tạo ra các cách sống và làm việc mới. Thật khó dự đoán tương lai, vì công nghệ không ngừng phát triển và con người vẫn đang cố gắng học cách suy nghĩ theo cấp số nhân. Chỉ thông qua thử nghiệm và đổi mới, chúng ta mới có thể kiến tạo tương lai.

– Giáo sư đã làm việc với nhiều công ty thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới kinh doanh thông qua công nghệ. Vậy điểm chung trong chiến lược thành công của họ là gì?

– Giáo sư Dutta: Các công ty thường có hai cách tiếp cận trong quá trình đổi mới sáng tạo. Đầu tiên là cách tiếp cận từ trong ra ngoài (inside-out approach), nghĩa là sử dụng nguồn nhân lực và công nghệ hiện tại để tạo ra các giải pháp mới. Cách thứ hai là tiếp cận từ ngoài vào trong (outside-in approach), nghĩa là tìm kiếm những công nghệ mới và những đơn vị khởi nghiệp sáng tạo, sau đó áp dụng những ý tưởng mới (từ bên ngoài) này vào công ty.

Quá trình đổi mới trong các công ty cũng có thể được chia thành hai loại: đổi mới dần dần (incremental innovation) và đổi mới đột phá (disruptive innovation). Quá trình đổi mới dần dần bao gồm thực hiện những cải tiến nhỏ trong những việc công ty đang làm, trong khi đổi mới đột phá hướng đến những thay đổi triệt để và mang tính đột phá.

Cách tiếp cận từ trong ra ngoài phù hợp với quá trình đổi mới dần dần, vì công ty đã có sản phẩm hoặc dịch vụ đang hoạt động, và có thể sử dụng nguồn lực của mình để thực hiện những cải tiến nhỏ theo thời gian. Điều này rất quan trọng, vì bất kỳ công ty nào cũng có thể từng bước đổi mới sản phẩm hoặc dịch vụ của mình.

Nhưng cách tiếp cận này sẽ khó tạo ra sự đổi mới đột phá. Do đó, các công ty cần có những ý tưởng và cách tiếp cận khác biệt hoàn toàn ở môi trường bên ngoài. Họ cần học hỏi và sáp nhập các công ty và công nghệ mới để tạo sự đột phá.

 

Image by freepik
Trân trọng phẩm giá con người

– Ngày nay, các công ty gặp khó khăn trong việc tìm cách kết hợp con người và công nghệ để thúc đẩy sự đổi mới. Các nhà lãnh đạo cần làm gì để đạt được sự cân bằng? Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đóng vai trò như thế nào trong quá trình này?

– Giáo sư Dutta: Đó là câu hỏi quan trọng. Tôi đã hoàn thành luận án tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo từ nhiều năm trước. Vào thời điểm đó, chúng tôi đã xem xét nhiều kịch bản khác nhau, nhưng không nghĩ bản thân sẽ chứng kiến những viễn cảnh này trở thành hiện thực. Giờ đây, điều đó đang xảy ra.

Về cơ bản, công nghệ ngày nay có khả năng thay đổi cách mọi người làm việc. Có hai góc nhìn về vấn đề này. Trước đây, những công nghệ mới có thể thay thế một số công việc nhất định. Ngày nay, khi các hệ thống AI trở nên phổ biến hơn, chúng ta đang khám phá cách mà AI có thể hỗ trợ con người thực hiện công việc tốt hơn và phát triển bản thân.

Tôi tin mục đích thứ hai quan trọng hơn, vì mọi người đang sử dụng công nghệ để cải thiện những gì họ đang làm. Tuy nhiên, công nghệ đang phát triển rất nhanh, và sẽ sớm có khả năng xử lý cả những lĩnh vực sáng tạo – vốn cần sự tham gia của con người. Công nghệ sẽ sớm thay thế những gì con người đang làm, và điều này đặt ra thách thức về cách kết hợp con người và công nghệ để hoàn thành những việc mà cả hai không thể đảm nhận riêng lẻ.

Tôi nghĩ điều cốt lõi là sự tôn trọng giá trị của con người. Xã hội sẽ phải chấp nhận thực tế rằng một số công việc sẽ biến mất và số giờ làm cũng có thể giảm đi. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để giải quyết tình trạng thiếu việc làm. Sự kết hợp giữa con người và công nghệ không chỉ liên quan đến nơi làm việc, mà còn liên quan đến cách làm cho những người bị mất việc do công nghệ thay thế cảm thấy được tôn trọng.

Xã hội đang đối diện với câu hỏi khó khăn: “Chúng ta nên làm gì với những người bị mất việc vì sự xuất hiện của công nghệ? Làm thế nào để họ cảm thấy được tôn trọng?”. Phẩm giá là yếu tố cốt lõi quyết định ý thức của mỗi người về giá trị bản thân. Do đó, điều quan trọng là các chính phủ và công ty phải đối mặt và giải quyết vấn đề này.

Giữ gìn phẩm giá là điều tối quan trọng với con người. Mất việc làm và không thể chu cấp cho gia đình có thể ảnh hưởng lớn đến lòng tự trọng của họ. Các chính phủ và công ty cần đảm bảo rằng mọi người cảm thấy được tôn trọng và có giá trị, đặc biệt là những người bị mất việc làm do sự thay đổi của công nghệ.

Song đây là thách thức phức tạp đòi hỏi cách tiếp cận trên nhiều phương diện. Giải pháp này không hề dễ dàng, bao gồm nỗ lực đầu tư đáng kể vào việc đào tạo lại kỹ năng, xây dựng và tạo điều kiện để các lĩnh vực mới hoạt động, đồng thời khuyến khích những lối tư duy mới.

Ở một số quốc gia, sự phát triển của các công nghệ, như máy bay không người lái, bị cản trở bởi các quy định hàng không nghiêm ngặt về địa điểm hoạt động và người điều khiển. Tuy nhiên, nếu muốn thúc đẩy các ngành công nghiệp mới như máy bay không người lái, chúng ta phải nới lỏng quy định và tạo điều kiện thuận lợi cho những sản phẩm này xuất hiện. Điều đó đặt ra thách thức đáng kể, đòi hỏi sự đổi mới nhanh chóng trên các phương diện pháp lý, kỹ năng và kinh doanh.

Thách thức thực sự nằm ở việc tìm cách cân bằng giữa đổi mới và gìn giữ phẩm giá con người, đồng thời thay đổi và làm mới toàn bộ hệ thống với tốc độ phù hợp. Điều này sẽ đòi hỏi cách tiếp cận nhiều mặt, cũng như cân nhắc các tác động với cá nhân và xã hội.

Ảnh bìa bởi Cornell SC Johnson.

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm