Khám phá những giải pháp công nghệ mới để quản lý giao thông ở đô thị thông minh

Chúng ta đã nhiều lần nghe đến khái niệm thành phố thông minh, nhưng cụ thể chúng “thông minh” ra sao? Trong hội thảo InnovaTalk tháng 9 này, hãy cùng các chuyên gia thảo luận một cấu phần quan trọng, đó là hệ thống giao thông thông minh.

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
18x12cm

Chia sẻ

Chương trình quy tụ các chuyên gia hàng đầu về Internet vạn vật, thị giác máy tính, trí tuệ nhân tạo và công nghệ giao thông. Chủ tọa của chương trình là Tiến sĩ Padmanabhan Anandan, một chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thị giác máy tính và trí tuệ nhân tạo. Ông cũng là Thành viên của Hội đồng Giải thưởng VinFuture.

Hai diễn giả của chương trình là Giáo sư Alexandre Bayenthe, Giáo sư Liao-Cho về Kỹ thuật kiêm Giám đốc Viện nghiên cứu Giao thông tại Đại học California, Berkeley và Tiến sĩ Lê Nhân Tâm, Giám đốc Công nghệ tại Microsoft Việt Nam.

Các chuyên gia sẽ cùng thảo luận về tiềm năng và thách thức của việc phát triển hạ tầng giao thông thông minh trong các thành phố, giới thiệu những công nghệ đã và đang được sử dụng để tăng cường sự cơ động, giảm thiểu ùn tắc và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân đô thị. Họ cũng sẽ đưa ra các định hướng về cách ứng dụng những tiến bộ công nghệ này tại Việt Nam.

“Công nghệ quản lý giao thông thích ứng chính là giải pháp”

“Cảm tưởng như đường phố lúc nào cũng tắc nghẽn. Càng xây thêm đường thì lại càng tắc nghẽn thêm,” TS. Anandan, chủ tọa của InnovaTalk tháng 9 mô tả một trong những nan đề của các đại đô thị.

Theo ông, đó là thách thức lớn nhất của hệ thống giao thông đô thị ngày nay, bên cạnh ô nhiễm không khí. Đây vốn là những vấn đề đã tồn tại từ lâu, nhưng ngày càng trở nên nghiêm trọng. TS. Anandan cho rằng công nghệ quản lý giao thông thích ứng và tăng cường xe điện là những giải pháp hiệu quả cho vấn đề này.

Quản lý giao thông thích ứng (adaptive traffic management) là một ứng dụng mang tính đột phá, kết hợp cảm biến IoT và công nghệ truyền thông. Tiến sĩ Anandan đưa ra bốn ví dụ của ứng dụng này. Đầu tiên và dễ thấy nhất là quản lý giao thông theo thời gian thực (real-time control of traffic). Các cảm biến tự động được đặt tại các cột đèn giao thông và các giao lộ để tự điều chỉnh tắt/bật đèn tương ứng.

“Việc này đã được thực hiện từ khá lâu, nhưng ngày càng được cải tiến dựa trên ứng dụng công nghệ cảm biến, thị giác máy tính và Internet vạn vật,” TS. Anandan nói.

Ứng dụng thứ hai là cập nhật tình hình cho người tham gia giao thông – việc này đang trở nên quen thuộc khi có ngày càng nhiều phương tiện giao thông được kết nối với Wi-Fi và bản đồ.

Ứng dụng thứ ba là quản lý bãi đỗ xe, sử dụng công nghệ cảm biến để thông báo những chỗ còn trống và truyền thông qua hệ thống Wi-Fi.

Ứng dụng thứ tư được dùng trong việc quản lý giao thông công cộng, chẳng hạn như điều chỉnh giờ chạy của xe buýt theo nhu cầu sử dụng. Đây cũng là một việc trở nên khả dĩ nhờ vào cảm biến IoT và công nghệ truyền thông, theo TS. Anandan.

“Tại các thành phố hiện nay, việc này thường được làm một cách cố định, chẳng hạn như tăng lượt xe chạy vào các giờ cao điểm. Nhưng chúng ta hoàn toàn có thể điều chỉnh một cách linh hoạt, bằng cách nhận biết mật độ giao thông hay độ đông đúc tại các trạm xe buýt hoặc trên các chuyến xe, và từ đó tăng tần suất xe chạy khi cần,” TS. Anandan giải thích.

Người tham dự webinar sắp tới sẽ có cơ hội lắng nghe thêm các giải pháp giao thông thông minh từ Giám đốc Viện Nghiên cứu Giao thông của Đại học California-Berkely, Giáo sư Alexandre Bayen. Ông là giáo sư chuyên ngành kỹ thuật điện và khoa học máy tính, kỹ thuật xây dựng và môi trường. Ông cũng là nhà khoa học về kỹ thuật cơ khí tại Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Berkeley.

Tiềm năng và thách thức của giao thông thông minh tại Việt Nam

Tham gia buổi thảo luận với tư cách là Giám đốc Công nghệ (CTO) của Microsoft Việt Nam, TS. Lê Nhân Tâm sẽ mang đến những góc nhìn đầy kinh nghiệm của một chuyên gia IT từng giữ vai trò lãnh đạo tại nhiều công ty công nghệ lớn. TS. Tâm chia sẻ niềm tin rằng các giải pháp giao thông thông minh sẽ mang lại những thay đổi mang tính đột phá cho các đô thị Việt Nam.

“Hệ thống giao thông thông minh có thể giúp giảm thiểu tắc nghẽn, tiết kiệm thời gian, tăng độ an toàn, và cải thiện môi trường. Đó cũng là cơ hội để thúc đẩy các công nghệ mới cho cuộc cách mạng năng lượng 4.0 trong việc phát triển thành phố thông minh,” ông nói.

Dù có nhiều lợi ích, nhưng việc ứng dụng giao thông thông minh tại Việt Nam có khá nhiều rào cản. Hai vấn đề chính mà TS. Tâm nhắc đến là các quy định pháp luật và hạ tầng kỹ thuật cũng như tài chính của các thành phố. Theo CTO của Microsoft Việt Nam, chúng ta cần một chiến lược toàn cục cho quốc gia và cụ thể theo từng địa phương. Việc này đòi hỏi sự hợp tác của nhiều bên liên quan.

“Vấn đề quan trọng nhất là chiến lược và tầm nhìn cho quốc gia cũng như các thành phố, phụ thuộc vào hạ tầng kỹ thuật và điều kiện tài chính riêng biệt. Để làm được như vậy, cần có sự phối hợp của nhiều phía, từ chính quyền, doanh nghiệp cho đến những người dân trực tiếp sử dụng sản phẩm,” TS. Tâm nói.

Hạ tầng công nghệ chắc chắn là một chìa khóa quan trọng trong việc ứng dụng thành công hệ thống giao thông thông minh. Tuy nhiên, TS. Tâm nhắc nhở rằng để có thể ứng dụng được các công nghệ hiện đại như AI, chúng ta cần chuẩn bị dữ liệu và các dịch vụ phân tích dữ liệu để giúp các doanh nghiệp xây dựng hạ tầng xã hội cho các công nghệ mới.

Những năm gần đây, Microsoft đã tăng cường hoạt động hỗ trợ xây dựng hạ tầng công nghệ cho nhiều đối tác, trong đó có hợp tác với Bộ Giao thông Vận tải và một số thành phố lớn để xây dựng các trung tâm quản lý vận hành giao thông thông minh. Họ cũng thông qua nền tảng Microsoft Azure (dịch vụ điện toán đám mây của Microsoft) để cung cấp hạ tầng công nghệ cho các startup tại Việt Nam. Có thể kể đến IBM, một công ty ứng dụng AI trong dịch vụ logistic và quản lý chuỗi cung ứng, và Busmap, ứng dụng cung cấp thông tin xe buýt cho người dùng.

Tốc độ thay đổi của công nghệ thường nhanh hơn luật pháp. Để thúc đẩy các sáng kiến công nghệ như giải pháp giao thông thông minh, TS. Lê Nhân Tâm cho rằng nên có các mô hình “sandbox” để cho phép các sáng kiến mới được thử nghiệm và chứng minh hiệu quả trong thực tế. Các mô hình thử nghiệm này sẽ tạo cơ hội để thay đổi không chỉ công nghệ chúng ta sử dụng, mà còn là cách chúng ta định hướng phương thức giải quyết vấn đề. Tư duy thích ứng chính là cốt lõi của các giải pháp thông minh.

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm