1. Ông có thể chia sẻ những điểm chính trong bài thuyết trình ông sẽ trình bày tại hội thảo trực tuyến InnovaTalk? Và chủ đề của hội thảo trực tuyến này có ý nghĩa như thế nào đối với ngành y tế tại Việt Nam?
Bài thuyết trình ngắn của tôi sẽ tập trung vào 3 chủ đề sau:
- Tỷ lệ béo phì và tốc độ gia tăng béo phì đáng báo động trong những năm gần đây tại Việt Nam, đặc biệt là ở trẻ em
- Những thách thức và nhu cầu cần giải quyết trong việc quản lý béo phì ở Việt Nam
- Các chính sách và chiến lược trọng tâm nhằm ngăn ngừa và kiểm soát tình trạng béo phì trong những năm tới.
Hội thảo trực tuyến “Béo phì và các phương pháp điều trị tiên tiến mới” mang ý nghĩa thiết thực đối với ngành y tế Việt Nam. Béo phì đang ngày càng trở thành một gánh nặng cho hệ thống chăm sóc sức khỏe, đòi hỏi chúng ta phải chủ động tìm kiếm và áp dụng những giải pháp dựa trên bằng chứng khoa học mới nhất.
2. Tỷ lệ béo phì của Việt Nam không cao, nhưng đang có mức tăng nhanh nhất Đông Nam Á, ở mức 38%. Đáng chú ý, béo phì ở trẻ em trong độ tuổi đi học tăng từ 8,5% lên 19% chỉ trong 10 năm (2010-2020). Theo ông, nếu xu hướng này tiếp diễn, Việt Nam có thể phải đối mặt với những thách thức nào về y tế, kinh tế và xã hội, đặc biệt là khi béo phì làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường?
Béo phì có liên quan đến nhiều bệnh lý nghiêm trọng, bao gồm bệnh đái tháo đường tuýp 2, bệnh tim mạch, rối loạn lipid máu, tăng huyết áp, một số loại ung thư và nhiều bệnh lý khác. Những căn bệnh này không những có tỷ lệ mắc và tử vong cao, mà còn đòi hỏi chi phí điều trị tốn kém nhưng hiệu quả điều trị lại thấp. Đó là lý do khủng hoảng y tế, kinh tế và xã hội có thể xảy ra nếu chúng ta không thể kiểm soát “đại dịch” này.
Đặc biệt, béo phì có liên quan mật thiết đến bệnh đái tháo đường tuýp 2 thông qua cơ chế kháng insulin. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc đái tháo đường đã tăng đáng báo động trong hơn một thập kỷ qua, song song với sự gia tăng của béo phì. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng kiểm soát cân nặng hiệu quả có thể làm chậm quá trình tiến triển từ tiền đái tháo đường sang đái tháo đường tuýp 2. Đối với những bệnh nhân đã mắc đái tháo đường tuýp 2 kèm béo phì, việc giảm cân cải thiện đáng kể chỉ số HbA1c và glucose huyết tương lúc đói, từ đó giúp kiểm soát tốt hơn căn bệnh này.
3. Một báo cáo gần đây cho thấy, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em và người lớn tại TPHCM tiếp tục gia tăng đáng báo động. Ý kiến của ông về báo cáo này như thế nào?
Báo cáo này không làm tôi ngạc nhiên bởi các nguyên nhân phổ biến gây béo phì như thức ăn nhanh, lối sống ít vận động hay căng thẳng… vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nếu tình hình không được cải thiện, béo phì ở nước ta sẽ ngày càng nghiêm trọng và ngành y tế sẽ phải đối mặt với tình trạng “kép” vừa suy dinh dưỡng vừa béo phì như nhiều quốc gia đang phát triển khác.
4. Liệu pháp GLP-1 được trình bày tại hội thảo đã được chứng minh là có hiệu quả trong việc giảm cân và cải thiện các yếu tố nguy cơ tim mạch ở bệnh nhân béo phì, được công nhận và áp dụng tại nhiều quốc gia, đặc biệt là tại Mỹ. Ông đánh giá như thế nào về liệu pháp này?
Chúng tôi, bao gồm các bác sĩ nội tiết, bác sĩ tim mạch và bác sĩ thận, đều biết rõ hiệu quả của liệu pháp chủ vận thụ thể GLP-1 (GLP-1 RA) trong việc giảm cân và ngăn ngừa nguy cơ bệnh lý tim mạch. Tình trạng bệnh ở một số bệnh nhân đái tháo đường tuýp 2 và béo phì có thể được cải thiện đáng kể và bệnh nhân có thể giảm hơn 20% trọng lượng cơ thể khi điều trị bằng GLP-1 RA. Các hướng dẫn điều trị quốc tế hiện tại ở châu Âu và Hoa Kỳ cho thấy GLP-1 RA là lựa chọn hàng đầu cho bệnh nhân béo phì hoặc bệnh nhân cần đạt mục tiêu cân nặng hiệu quả. Tại Việt Nam, hướng dẫn điều trị béo phì của Bộ Y tế cũng tuân theo các khuyến nghị quốc tế này.
Tuy nhiên, hiện nay tại Việt Nam mới chỉ có một loại thuốc GLP-1 RA là Liraglutide, với hiệu quả giảm cân ở mức trung bình. Chúng tôi hy vọng các thuốc mới hơn như Semaglutide (GLP-1 RA) hoặc Tirzepatide (chủ vận kép GIP/GLP-1) sẽ sớm được đưa vào sử dụng tại Việt Nam, đáp ứng nhu cầu về một loại thuốc giảm cân tốt hơn.
5. Ngoài việc giảm cân, liệu pháp GLP-1 có hiệu quả như thế nào đối với bệnh nhân đái tháo đường? Ông có thể so sánh hiệu quả của GLP-1 RA với các loại thuốc trị đái tháo đường khác không?
Theo một số hướng dẫn quốc tế của ADA (Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ) và EASD (Hiệp hội Nghiên cứu Đái tháo đường Châu Âu), GLP-1 RA có hiệu quả rất cao trong việc hạ glucose máu tương tự insulin nhưng không gây ra cơn tụt đường huyết như insulin. Ngoài ra, GLP-1 RA cũng làm giảm nguy cơ tim mạch, nên được ưu tiên hơn insulin khi điều trị cho bệnh nhân đái tháo đường cần dùng thuốc tiêm, đặc biệt là những người thừa cân hoặc béo phì.
6. Theo ông, cần có những chính sách hay chương trình nào để nâng cao công tác phòng ngừa và điều trị béo phì, đái tháo đường tại Việt Nam? Ông có thể chia sẻ một số ví dụ về các nghiên cứu khoa học đang được tiến hành để tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả hơn?
Như đã trình bày, béo phì đang là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền kinh tế và hệ thống y tế Việt Nam. Để kiểm soát và ngăn ngừa tình trạng này, chúng ta cần triển khai các chính sách và chương trình can thiệp kịp thời, cụ thể: (1) Thành lập thêm các trung tâm điều trị béo phì tại một số bệnh viện trung ương hoặc ngay tại các bệnh viện tuyến tỉnh; (2) Bộ Y tế cần nhanh chóng phê duyệt các loại thuốc giảm cân mới có hiệu quả cao như Semaglutide và Tirzepatide; (3) Chính phủ cần xem xét đưa béo phì vào danh mục bệnh được bảo hiểm y tế để hỗ trợ người bệnh tiếp cận điều trị; và cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng (4) Triển khai mạnh mẽ các chiến dịch truyền thông nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về lối sống lành mạnh, đặc biệt là đối với trẻ em.;
Hiện nay, nhiều nghiên cứu tập trung vào nâng cao hiệu quả điều trị bệnh béo phì và các bệnh đồng mắc. Chẳng hạn:
- Phát triển các loại thuốc giảm cân mới hiệu quả hơn, ví dụ như các thuốc chủ vận trên hai thụ thể GIP và GLP-1.
- Đánh giá tác dụng của thuốc GLP-1 RA đường uống và liệu pháp tiêm mỗi tuần một lần GLP-1 RA, nhằm cải thiện khả năng tuân thủ điều trị ở bệnh nhân béo phì.
- Nghiên cứu các thuốc giảm cân mới có khả năng giảm nguy cơ tim mạch, đột quỵ và bệnh thận ở người thừa cân hoặc béo phì đã có bệnh tim mạch nhưng chưa mắc đái tháo đường tuýp 2.
- Đánh giá hiệu quả của các phương pháp giảm cân không dùng thuốc như đặt bóng dạ dày và phẫu thuật chuyển hóa ở bệnh nhân béo phì độ II hoặc III.