NƠI LÀM VIỆC
Trung tâm nghiên cứu quốc tế về bệnh tả icddr,b (Bangladesh)
TÓM TẮT CÔNG TRÌNH ĐẠT GIẢI
Sự đổi mới cải tiến vắc-xin dạng uống ngừa bệnh tả ở các nước đang phát triển
Tiến sĩ Firdausi Qadri đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện quy trình tiêm chủng phòng chống bệnh tả, bệnh truyền nhiễm cấp tính ở đường tiêu hoá do vi khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra khi tiêu thụ thực phẩm hoặc nước bị nhiễm khuẩn. Bệnh tả vẫn đang là mối đe dọa lớn đối với sức khỏe cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực có điều kiện vệ sinh kém và thiếu nước sạch. Tại Trung tâm Nghiên cứu Bệnh Tả Quốc tế, Bangladesh (ICDDRB), Tiến sĩ Firdausi Qadri đã tiến hành các nghiên cứu lâm sàng quy mô lớn sử dụng một chủng vắc-xin sống giảm động lực của Việt Nam, từ đó rút ra kết luận về lợi ích, hiệu quả và độ an toàn của loại vắc-xin chi phí thấp này khi chỉ sử dụng một liều duy nhất. Bà đã thúc đẩy việc triển khai các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn tại Bangladesh cũng như các nước có thu nhập thấp khác nhằm ngăn ngừa dịch bùng phát. Việc dự phòng sớm để kiểm soát dịch tả giúp tăng cường an ninh y tế và ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh trên toàn cầu.
QUY MÔ TÁC ĐỘNG
Công trình của Tiến sĩ Firdausi Qadri cho thấy tác động to lớn thông qua sự thành công của các quy trình tiêm chủng được thực hiện tại Bangladesh và có khả năng áp dụng tại các quốc gia khác. Việc sử dụng vắc-xin dạng uống với chi phí thấp là một lợi thế lớn so với vắc-xin dạng tiêm nhờ giá thành rẻ, dễ sử dụng và không yêu cầu việc thực hiện bằng kim tiêm vô trùng.
THAY ĐỔI CÓ Ý NGHĨA
Bệnh tả là một trong những căn bệnh có tỷ lệ tử vong cao, thường được điều trị bằng cách bù nước và cần phải nhập viện khi có diễn biến nặng. Việc sử dụng vắc-xin giúp giảm thiểu tình trạng mất nước và nguy cơ gây tử vong, cải thiện chất lượng cuộc sống và duy trì chất lượng sức khỏe cho lực lượng lao động trong xã hội. Việc này cũng giúp giảm gánh nặng tài chính cho các gia đình, cho phép họ đầu tư vào giáo dục và các hoạt động kinh tế khác. Các chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn giúp ngăn chặn dịch bùng phát, giảm số ca nhập viện, chi phí điều trị y tế và chi phí chăm sóc sức khỏe nói chung cho cá nhân, cộng đồng và chính phủ. Bằng cách ngăn ngừa dịch tả, việc sử dụng vắc-xin giúp duy trì năng suất lao động và sự ổn định kinh tế tại các khu vực có bệnh dịch lưu hành. Ngoài ra, việc phòng chống bệnh tả còn góp phần cải thiện điều kiện an toàn vệ sinh, cung cấp nguồn thực phẩm và nước uống an toàn hơn.