TIỂU SỬ
Pamela Christine Ronald (sinh ngày 29/01/196) nhận bằng Tiến sĩ Sinh học phân tử và sinh lý thực vật tại Đại học California, Berkeley. Sau đó, bà tiếp tục làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ về lai tạo giống cây trồng tại Đại học Cornell và là giảng viên Khoa Bệnh học thực vật của Đại học California, Davis vào năm 1992. Ở Đại học California, Berkeley, bà đã nghiên cứu tương tác giữa các vi khuẩn thực vật gây bệnh trong phòng thí nghiệm của Brian Staskawicz, một phòng thí nghiệm nổi tiếng quốc tế nghiên cứu về các bệnh trên cây hạt tiêu và cà chua. Bà chuyển sang nghiên cứu về gạo với hy vọng góp phần giúp đỡ các nước nghèo.
Trong những năm qua, Pamela Christine Ronald đã trở thành một người ủng hộ mạnh mẽ cho khoa học về nông nghiệp bền vững. Phòng thí nghiệm của bà là nơi giúp phát triển các giống lúa có khả năng kháng bệnh và chịu được các điều kiện khắc nghiệt như hạn hán, lũ lụt, và ngập mặn, …
Ronald được vinh danh là Nhà đổi mới Địa lý Quốc gia và là một trong 50 nhà đổi mới của Grist, dẫn dắt sự phát triển bền vững. Bà đã nhận được Giải thưởng Khám phá của Viện Nghiên cứu Quốc gia USDA và Giải thưởng Công nghệ cho việc sử dụng công nghệ một cách sáng tạo để mang lại lợi ích cho nhân loại. Bà được Thomson Reuters bình chọn một trong những bộ óc khoa học có ảnh hưởng nhất thế giới và là một trong 100 người có ảnh hưởng nhất thế giới về công nghệ sinh học do tạp chí Scientific American bình chọn.
Năm 2012, cô nhận được Giải thưởng Khoa học Quốc tế Louis Malassis về Nông nghiệp và Thực phẩm. Năm 2019, bà đã nhận được Giải thưởng Lãnh đạo của Hiệp hội các nhà sinh học thực vật Mỹ. Năm 2020, bà được Liên đoàn Hiệp hội Giáo dục Đại học Toàn cầu về Khoa học Đời sống và Nông nghiệp vinh danh trong Giải thưởng Nông nghiệp Thế giới. Năm 2022, Ronald được trao Giải thưởng Wolf về Nông nghiệp.
Bà là thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia, thành viên của Viện Hàn lâm Nghệ thuật và Khoa học Mỹ và Viện Hàn lâm Nông nghiệp và Lâm nghiệp Hoàng gia Thụy Điển.
Bà là đồng tác giả của “Bàn ăn của ngày mai: Canh tác hữu cơ, di truyền và tương lai của thực phẩm”, được bình chọn là một trong 25 cuốn sách mạnh mẽ và có ảnh hưởng nhất với khả năng truyền cảm hứng cho sinh viên để thay đổi thế giới. Bài phát biểu TED Talk của cô đã nhận được hơn 2 triệu lượt xem.
TỔNG QUAN CÔNG TRÌNH KHOA HỌC
Giải Đặc biệt dành cho Nhà khoa học Nữ đã được trao cho Giáo sư Pamela Christine Ronald vì những đột phá của bà trong việc phân lập gen Sub1A giúp phát triển các giống lúa chịu ngập, giúp nuôi sống hàng triệu người ở Nam và Đông Nam Á.
Pamela C. Ronald là một nhà di truyền học và sinh lý học thực vật xuất sắc. Bà có 2 đóng góp cực kỳ quan trọng trong lĩnh vực này:
– Năm 1995, bà đã xác định được một locus gen rất quan trọng đối với phản ứng miễn dịch bẩm sinh của thực vật đối với các tác nhân gây bệnh. Cụ thể, đó là gen Xa21 mã hóa một loại protein có tên XA21, là nhân tố chìa khóa cho phản ứng của lúa với vi khuẩn gây bệnh trên lúa gạo Xanthomonas oryzae pv oryzae (Xoo). Locus này rất giống với các gen ở ruồi giấm và chuột, có tác dụng thúc đẩy phản ứng miễn dịch bẩm sinh ở động vật (nghiên cứu đạt giải Nobel trong Y sinh cho Bruce Beutler và Jules Hoffmann năm 2011). Pamela C. Ronald sau đó đã xác định được một protein có tên RaxX, sản xuất bởi vi khuẩn gây bệnh, Xoo là thành phần kích hoạt thụ thể tiếp nhận protein XA21. Đây là một phần khá quan trọng, mặc dù không liên quan trực tiếp đến việc phát hiện ra Sub1, công trình thắng giải VinFuture.
– Bà đã góp phần giải mã khả năng chịu ngập hoàn toàn ở lúa. Sau khi hợp tác với David Mackill, người đã chứng minh tầm quan trọng của locus Sub1 cho tính chịu ngập hoàn toàn, bà đã thành công trong việc sao chép chính xác vùng gen Sub1 mã hóa cho 3 nhân tố điều hòa phiên mã các yếu tố quan trọng trong phản ứng miễn dịch thực vật với stress (các điều kiện khắc nghiệt), ethylene-responsive factor (ERF). Bà đã chứng minh rằng một trong 3 nhân tố này là Sub1A (Submergence Tolerance Regulator) tăng đột biến khi phản ứng với việc ngập úng và giúp tạo được cây trồng biến đổi gen có khả năng chịu ngập kéo dài. Khám phá quan trọng này đã đã giúp tạo ra các giống lúa chịu ngập năng suất cao. Trên tạp chí Rice – Lúa gạo, bà và Mackill đã báo cáo các siêu giống lúa “Sub1” mới cung cấp khả năng chịu ngập một cách hiệu quả mà không có ảnh hưởng tiêu cực rõ ràng đến sự phát triển, năng suất hoặc chất lượng hạt gạo.
QUY MÔ TÁC ĐỘNG
Gạo là thực phẩm thiết yếu cho một nửa dân số thế giới, tức là khoảng 4 tỷ người, cho thấy tầm quan trọng của các nghiên cứu mà Pamela C. Ronald thực hiện. Tuy nhiên hiện nay theo thống kê, tình trạng ngập nước do mưa lũ hàng năm đã phá huỷ tới bốn triệu tấn gạo, đủ để nuôi sống 30 triệu người, chỉ tính ở Ấn Độ và Bangladesh. Tại Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế IRRI, với nhóm David Mackill, một số giống lúa Sub1A đã được phát triển và sử dụng ở 6 quốc gia bao gồm Indonesia, Nepal, Myanmar, Ấn Độ, Bangladesh, và Philippines. Tính đến năm 2017, giống gạo Sub1 hiện đã tới với hơn 6 triệu nông dân.
MỨC ĐỘ THAY ĐỔI TÍCH CỰC
Pamela C. Ronald đã sử dụng những khám phá cơ bản về gen lúa Sub1 liên quan tới việc điều hòa phản ứng miễn dịch ở lúa trong tình trạng ngập nước, giúp tạo ra các giống lúa biến đổi gen có tính chịu ngập vượt trội ở đem lại lợi ích khổng lồ cho toàn thế giới. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, kéo theo sự xuất hiện của các trận lụt lớn không thể dự báo trước ở nhiều quốc gia nơi gạo là lương thực chính, các giống lúa mới của Ronald với tính chống ngập đã mang lại giải pháp lâu dài và bền vững. Do đó, trong tương lai, các giống lúa được tạo ra nhờ những khám phá của Ronald sẽ ngày càng có lợi ích lớn hơn. Người ta dự đoán rằng các giống mới sẽ được tạo ra còn có khả năng kháng một số tác nhân gây bệnh.