NƠI LÀM VIỆC
Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, Philippines và Đại học California, Davis, Hoa Kỳ
TÓM TẮT CÔNG TRÌNH ĐẠT GIẢI
Phát minh giống lúa kháng bệnh, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu
Cuộc cách mạng trong nông nghiệp đã được thúc đẩy mạnh mẽ bởi nỗ lực của Giáo sư Gurdev Singh Khush và Giáo sư Võ Tòng Xuân trong việc phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh, góp phần củng cố an ninh lương thực toàn cầu. Giáo sư Khush đã đi tiên phong trong việc tạo ra các giống lúa với khả năng kháng nhiều loại sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn, và cho năng suất cao, như IR8, IR36, IR64… Sự phát triển của các giống lúa sản lượng cao đã cách mạng hóa ngành trồng lúa lúa trên toàn thế giới, giúp tăng sản lượng đáng kể đồng thời giảm chi phí và giảm thiểu sự phụ thuộc vào các chất hóa học độc hại. Trong số các giống lúa mới mang tính đột phá này, giống IR64, được phát triển bởi Giáo sư Khush và các nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế (IRRI), được chú ý nhiều nhất. Sự kết hợp độc đáo giữa hàm lượng amyloza trung gian, độ đặc gel mềm, nhiệt độ hồ hóa trung bình, độ trong mờ, và dáng hạt thon dài đã khiến nó trở thành một giống lúa được trồng phổ biến ở hầu hết các nước sản xuất lúa gạo. Không chỉ có thành công này, IR64 còn đóng vai trò là giống bố mẹ cho hàng ngàn giống lai trong nhiều thập kỉ cho tới ngày nay, điều minh chứng cho đóng góp to lớn của công trình này đối với an ninh lương thực toàn cầu.
QUY MÔ TÁC ĐỘNG
Đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu héc-ta. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn. Ngoài IR36, IR64 đã được trồng rộng rãi trên 10 triệu ha trong vòng hai thập kỷ kể từ khi được đưa ra thị trường, tạo ra tác động tích cực đến cuộc sống của hàng triệu người trên toàn thế giới. IR64 được phổ biến lần đầu tiên ở Philippines vào năm 1985, ngay sau đó là ở Bhutan, Burkina Faso, Campuchia, Trung Quốc, Ecuador, Gambia, Ấn Độ, Indonesia, Mauritania, Mozambique, Việt Nam và các vùng Sahelian của Tây Phi. Đến năm 2018, IR64 và các thế hệ con cháu đã được trồng rộng rãi tại nhiều quốc gia và là giống lúa phổ biến nhất tại khu vực nhiệt đới Châu Á, chứng minh tính ưu việt và khả năng thích nghi đặc biệt của chúng.
THAY ĐỔI CÓ Ý NGHĨA
Việc sử dụng các giống lúa kháng bệnh năng suất cao như IR36 và IR64 không chỉ làm giảm chi phí sản xuất và gia tăng sản lượng, mà còn hạn chế việc sử dụng thuốc trừ sâu, góp phẩn thúc đẩy tính bền vững của nông nghiệp trên toàn cầu. Ngoài ra, tiến bộ về năng suất lúa gạo trên toàn cầu đảm bảo rằng việc tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm ổn định trở nên công bằng và đáng tin cậy hơn. Phát kiến này có ảnh hưởng sâu rộng với những tác động tiềm năng đến cấu trúc kinh tế xã hội, bảo tồn môi trường và sức khỏe toàn cầu, và đóng vai trò to lớn trong việc kiến tạo một tương lai an toàn và bền vững hơn cho tất cả mọi người.