Chủ nhân giải thưởng

NKH NỮ - SUSAN SOLOMON
Giáo sư Susan Solomon
Giải đặc biệt VinFuture dành cho nhà khoa học nữ | 2023
NƠI LÀM VIỆC

Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ

TÓM TẮT CÔNG TRÌNH ĐẠT GIẢI

Khám phá cơ chế gây suy giảm tầng ozon ở Nam Cực, góp phần thúc đẩy Nghị định thư Montreal – một nỗ lực quan trọng giúp giảm lượng lớn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu

Giáo sư Susan Solomon là nhà khoa học tiên phong trong lĩnh vực hóa học khí quyển, với những đóng góp đột phá giúp mở rộng hiểu biết của nhân loại về hiện tượng suy giảm tầng ozon và vai trò của chất chlorofluorocarbons (CFC) trong quá trình đó. Khởi nguồn từ những tính toán của Giáo sư Mario Molina và Sherwood Rowland năm 1974, giả thuyết về tác động của CFC lên tầng ozon được giới khoa học quan tâm rộng rãi và nghiên cứu trong nhiều năm. Tuy nhiên, phải đến năm 1986-1987, giả thuyết này mới được chứng minh một cách thuyết phục sau khi thực nghiệm tại Nam Cực của Giáo sư Solomon đã thu thập những bằng chứng tin cậy về lỗ thủng tầng ozon đặc biệt lớn gây ra bởi CFC tại khu vực này. Thực nghiệm cũng xác nhận các giả thuyết trước đó của bà về việc mật độ lớn của mây tầng bình lưu vùng Nam Cực đã tạo ra hấp dẫn điện từ với CFC. Các kết quả nghiên cứu thực nghiệm này sau đó đã thúc đẩy nỗ lực toàn cầu và dẫn đến sự ra đời của Nghị định thư Montreal. Đây là một trong những hiệp định quốc tế thành công nhất trong việc giải quyết vấn đề môi trường toàn cầu, giúp đạt được sự đồng thuận trên toàn thế giới để loại bỏ dần các chất gây hại cho tầng ozon như CFC. Ngoài ra, những khám phá sâu rộng của Solomon cũng đã làm phong phú thêm sự hiểu biết của chúng ta về động lực khí hậu, tập trung vào mảng như hóa hoặc khí quyển, cơ chế phản hồi khí hậu và tác động do con người gây ra đối với nhiệt độ toàn cầu. Những hiểu biết sâu sắc và khả năng lãnh đạo của bà đã định hình các mô hình khoa học và chính sách quốc tế, đóng góp to lớn cho các nỗ lực bảo vệ môi trường toàn cầu.

QUY MÔ TÁC ĐỘNG

Năm 2016, Giáo sư Solomon và các đồng nghiệp công bố kết quả cho thấy lỗ thủng tầng ozon đã thu hẹp hơn 4 triệu km vuông so với mức đỉnh của năm 2000 và sẽ phục hồi hoàn toàn trong những thập kỷ tới. Việc thi hành Nghị định thư Montreal cũng đã giúp giảm một lượng lớn phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Minh chứng rõ nét nhất là trong giai đoạn 1990-2010, các biện pháp kiểm soát của Nghị định thư Montreal ước tính đã giúp làm giảm lượng phát thải khí nhà kính tương đương 135 tỷ tấn CO2 – gấp 5 lần mục tiêu hàng năm mà Nghị định thư Kyoto đặt ra cho giai đoạn 2008-2012. Cùng với các Hiệp ước chống biến đổi khí hậu khác, Nghị định thư Montreal đã góp phần đáng kể vào việc bảo vệ hệ thống khí hậu toàn cầu và được kỳ vọng sẽ ngăn chặn thêm 100-200 tỷ tấn CO2 phát thải tới năm 2050, góp phần giảm mức nhiệt độ nóng lên toàn cầu  từ 2-5°C xuống 0,5°C vào năm 2100. Bên cạnh lợi ích môi trường, tầng ozon được bảo vệ cũng mang lại những lợi ích quan trọng đối với sức khỏe con người. Theo ước tính của Cục Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, chỉ trong lãnh thổ nước này, tới năm 2100, việc thi hành đầy đủ Nghị định thư Montreal có thể giúp ngăn chặn tới 443 triệu ca mắc ung thư da, giảm 2,3 triệu trường hợp tử vong do bệnh này và ngăn chặn 63 triệu ca mắc bệnh đục thủy tinh thể.

THAY ĐỔI CÓ Ý NGHĨA

Công trình của Giáo sư Susan Solomon đã có ảnh hưởng mang tính đột phá đối với khoa học khí quyển và các hiệp định môi trường quốc tế. Thông qua việc chứng minh và giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách, công trình đã tạo ra nhiều thay đổi nền tảng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Hơn nữa, việc phục hồi tầng ozon là nền tảng trong việc duy trì sự sống trên Trái đất, khiến những đóng góp của bà trở nên tối quan trọng trong nhiệm vụ bảo tồn đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái.