TIỂU SỬ
Nơi công tác tại thời điểm trao giải: Trung tâm Nghiên cứu Chương trình AIDS ở Nam Phi (CAPRISA), Trường Y khoa Nelson R. Mandela, Đại học KwaZulu-Natal & Khoa Dịch tễ học, Trường Y tế Công cộng Mailman, Đại học Columbia, Hoa Kỳ.
Giáo sư Salim S. Abdool Karim, Thành viên Hiệp hội Hoàng gia, là một nhà dịch tễ học về bệnh truyền nhiễm uy tín và được biết đến rộng rãi bởi những đóng góp của mình trong việc phòng ngừa và điều trị HIV. Giáo sư cũng nằm trong top đầu bảng xếp hạng của Web of Science dành cho các nhà khoa học được trích dẫn thường xuyên nhất trên thế giới.
Giáo sư hiện giữ cương vị Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chương trình AIDS ở Nam Phi (CAPRISA) và là Giáo sư Y tế Toàn cầu tại Đại học Columbia, đồng thời nắm giữ vai trò Phó hiệu trưởng (Nghiên cứu) tại Đại học KwaZulu-Natal (Durban), Giáo sư bổ trợ ngành Y khoa tại Đại học Cornell (New York), và Giáo sư bổ trợ ngành Miễn dịch học và Bệnh truyền nhiễm tại Đại học Harvard (Boston, Hoa Kỳ).
Giáo sư đã đóng vai trò đi đầu trong cuộc chiến chống lại đại dịch của Nam Phi trong cương vị Chủ tịch Ủy ban Cố vấn Bộ trưởng Nam Phi về Covid-19.
Ở cấp độ quốc tế, Giáo sư cũng là thành viên của Lực lượng đặc nhiệm Châu Phi về Coronavirus, Ủy ban Lancet về Covid-19 và Ủy ban Châu Phi về Covid-19.
Năm 2020, Giáo sư Salim S. Abdool Karim nhận được Giải thưởng Maddox cho công trình bảo vệ khoa học trong cả đại dịch HIV và Covid-19 và tích cực giải quyết thông tin sai lệch.
Giáo sư cũng là thành viên của Hội đồng Khoa học của WHO và phục vụ trong ủy ban cố vấn khoa học về sức khỏe toàn cầu tại Quỹ Bill và Melinda Gates, đồng thời là thành viên của Học viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ và Hiệp hội Hoàng gia.
TỔNG QUAN CÔNG TRÌNH KHOA HỌC ĐẠT GIẢI | ĐIỀU TRỊ DỰ PHÒNG TRƯỚC PHƠI NHIỄM BẰNG THUỐC KHÁNG VI-RÚT NGĂN NGUY CƠ LÂY NHIỄM HIV
Vợ chồng Tiến sĩ Abdool Karim đã dẫn đầu một thử nghiệm lâm sàng mang tính bước ngoặt cung cấp bằng chứng ban đầu vào năm 2010 về thuốc kháng vi-rút với tác dụng ngăn chặn lây truyền HIV qua đường tình dục. Họ đã chứng minh rằng gel tenofovir ngăn ngừa lây nhiễm HIV và mụn rộp sinh dục ở phụ nữ. Nghiên cứu của họ đã cung cấp bằng chứng cho khả năng ngăn ngừa lây nhiễm HIV của tenofovir, từ đó đặt nền tảng cho việc điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) như một phương pháp phòng ngừa HIV.
Vào năm 2015, WHO đã khuyến nghị PrEP cùng với tenofovir uống hàng ngày như một biện pháp phòng ngừa HIV tiêu chuẩn cho những người có nguy cơ nhiễm HIV cao. PrEP hiện đã có mặt tại nhiều quốc gia trên toàn thế giới, góp phần vào công cuộc phòng chống HIV trên toàn cầu. Việc giảm thiểu các ca nhiễm HIV mới ở phụ nữ không chỉ làm giảm nhu cầu điều trị bằng thuốc kháng vi-rút mà còn làm giảm nguy cơ nhiễm HIV ở thế hệ con cái của họ khi mới sinh
QUY MÔ TÁC ĐỘNG
Phụ nữ trẻ tuổi là đối tượng có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhất ở châu Phi – châu lục chiếm 70% gánh nặng HIV toàn cầu. Ngăn ngừa lây nhiễm HIV ở phụ nữ trẻ là chìa khóa để phá vỡ chu kỳ lây truyền HIV, vốn là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ nhiễm HIV cao ở châu lục này.
Những khám phá này mang tính nổi bật, với tác động sâu sắc trong việc phòng chống HIV trên toàn thế giới, đặc biệt là ở các nước đang phát triển.