GS Alta Schutte: Hãy Chia Sẻ Khó Khăn Với Gia Đình, Và Tin Rằng “Có Chí Thì Nên”

Với kinh nghiệm làm việc ở cả Nam Phi và Australia, Giáo sư Alta Schutte (Đại học New South Wales, Australia, thành viên Hội đồng Sơ khảo Giải thưởng VinFuture) chia sẻ về những thách thức và cơ hội khi làm khoa học ở những nước đang phát triển và các quốc gia phát triển. Bà cũng tỏ ra lạc quan về cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học tại những quốc gia này để cùng tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề toàn cầu.

Viết bởiVinFuture
Đăng ngày
Prof-Schutte-2

Chia sẻ

Đọc thêm: GS Alta Schutte: Giải Thưởng VinFuture Tạo Ra Cơ Hội Hợp Tác Tuyệt Vời Cho Các Nhà Khoa Học Trên Toàn Cầu

– Sự nghiệp của bà gắn liền với cả hai quốc gia phát triển và đang phát triển là Australia và Nam Phi. Điều gì đưa bà đến với Australia?

– Giáo sư Schutte: Đầu tiên, tôi xin cảm ơn Quỹ VinFuture đã cho tôi cơ hội chia sẻ câu chuyện với tư cách một người phụ nữ trong thế giới khoa học. Tôi đã tiếp xúc với nhiều nhà khoa học nữ và luôn bị cuốn hút bởi những câu chuyện độc đáo của mỗi người.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một thị trấn khai thác vàng nhỏ ở Nam Phi, đồng thời là con thứ tư trong gia đình có 5 người con. Những người trẻ tại các nước đang phát triển muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học đang phải đối diện với nhiều thách thức. Những thách thức đó thậm chí còn lớn hơn đối với nữ giới. Dẫu vậy, chúng tôi cũng có nhiều cơ hội phong phú.

Tôi may mắn được học tập và nhận bằng cử nhân tại Đại học Potchefstroom dành cho Giáo dục Công giáo (Potchefstroom University for Christian Higher Education, hay Đại học North-West ngày nay). Đến năm 2004, tôi đến Darwin (Australia) với học bổng nghiên cứu sau tiến sĩ và có trải nghiệm tuyệt vời khi tiếp xúc với các cộng đồng bản địa nơi này.

Sau đó, tôi trở lại Nam Phi và bắt đầu sự nghiệp trong giới học thuật. Năm 2008, tôi thành lập Nhóm Nghiên cứu về Tăng huyết áp ở châu Phi (HART). Trung tâm nghiên cứu này sau đó được mở rộng, và chúng tôi thành lập phòng khám đào tạo và nghiên cứu về bệnh tăng huyết áp, với cơ sở hiện đại cùng nhiều phương pháp đánh giá sức khỏe tim mạch dựa trên nghiên cứu lâm sàng. Chúng tôi cũng thành lập đơn vị ngoại khoa của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa Nam Phi về Tăng huyết áp và Bệnh tim mạch.

Tất cả điều này góp phần vào sự nghiệp khoa học và vai trò lãnh đạo của tôi, với tư cách chủ tịch Hiệp hội Tăng huyết áp Nam Phi. Vào năm 2018-2020, tôi là chủ tịch đầu tiên đến từ châu Phi và là nữ chủ tịch thứ hai trong lịch sử 50 năm tồn tại của Hiệp hội Tăng huyết áp Quốc tế.

Khi mạng lưới quốc tế của mình mở rộng, tôi càng quan tâm đến việc cải thiện sức khỏe toàn cầu, đặc biệt ở các cơ sở có ít nguồn lực. Do đó, tôi không thể từ chối cơ hội lãnh đạo nhóm nghiên cứu về tim mạch, mạch máu và chuyển hóa tại khoa Y – Đại học New South Wales ở Sydney, Australia, và trở thành thành viên nhóm nghiên cứu về tim mạch tại Viện Sức khỏe Toàn cầu George.

Những tổ chức này là đơn vị tiên phong trên toàn cầu trong việc ngăn ngừa và cải thiện sức khỏe tim mạch, từ đó trao cho tôi cơ hội tạo ra tác động lớn hơn. Vì vậy, vào tháng 1/2020, tôi cùng gia đình chuyển đến Sydney, Australia.

– Tại sao bà lại chọn tim mạch trong vô vàn lĩnh vực nghiên cứu khác? Lần đầu tiên bà biết mình muốn theo đuổi sự nghiệp khoa học là khi nào? Có hình mẫu nào đã truyền cảm hứng cho quyết định theo đuổi sự nghiệp khoa học của bà hay không?

– Giáo sư Schutte: Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, tôi đã rất quan tâm đến sinh học, một phần do được truyền cảm hứng bởi một giáo viên xuất sắc. Ngoài ra, ông nội tôi mất vì bệnh tim khi cha tôi mới 2 tuổi, và cha tôi cũng mắc bệnh tim.

Tôi hiểu căn bệnh của cha đã ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình như thế nào. Việc đối diện với điều đó, cùng với mối quan tâm sâu sắc về sinh học và sinh lý học con người, đã khơi dậy ý chí theo đuổi lĩnh vực phòng chống bệnh tim mạch trong tôi. Huyết áp cao là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu (chủ yếu do đột quỵ và đau tim), và đây là lĩnh vực nghiên cứu quan trọng đối với tôi.

Tôi lớn lên trong một gia đình mà tất cả thành viên cùng thảo luận về khoa học trên bàn ăn tối. Các anh chị em của tôi đều nghiên cứu vật lý, khoa học máy tính, kỹ thuật, vi sinh và dinh dưỡng. Tôi cảm thấy may mắn khi được lớn lên trong môi trường như vậy. Tuy nhiên, tôi rất bối rối không biết mình muốn làm gì với cuộc đời, thậm chí cho đến khi học hết cấp ba. Rồi tôi bắt đầu theo đuổi tấm bằng cử nhân chuyên ngành sinh lý học, và tất cả bắt đầu từ đó.

Ở giai đoạn đầu cuộc đời, tôi nghĩ gia đình và giáo viên ở trường là hình mẫu cho mình. Tuy nhiên, khi tôi bước vào giới học thuật với tư cách nhà nghiên cứu trẻ và sau đó là nhà nghiên cứu cấp cao, tôi có nhiều hình mẫu – cả nam và nữ . Họ đã cố vấn và truyền cảm hứng, giúp tôi trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.

Image by freepik

– Giáo sư nhìn nhận thế nào về sự thăng tiến của phụ nữ trong lĩnh vực y tế so với các lĩnh vực khoa học khác? Bà muốn làm gì để cải thiện tình trạng hiện tại? Bà cảm thấy triển vọng dành cho phụ nữ trong khoa học sẽ thay đổi như thế nào trong 5 năm tới?

– Giáo sư Schutte: Có lẽ sự tham gia của phụ nữ trong lĩnh vực y khoa có phần nhỉnh hơn so với các lĩnh vực như kỹ thuật hoặc vật lý. Chúng ta vẫn thường thấy tỷ lệ phụ nữ hiện diện cao trong giai đoạn đầu của sự nghiệp, bao gồm cả cấp độ tiến sĩ và sau tiến sĩ. Họ cũng thường là những người có thành tích tốt nhất trong giai đoạn này.

Tuy nhiên, khi ở các cấp cao hơn như phó giáo sư và giáo sư, thì nam giới lại chiếm số lượng áp đảo. Có nhiều lý do giải thích cho điều này, bao gồm cả sự lựa chọn của chính phụ nữ, chẳng hạn ở nhà chăm sóc con cái.

Song có định kiến rõ ràng đối với nam giới và nữ giới, khi việc xem xét các đơn xin tài trợ và đề bạt thường thiên vị nam giới, mặc dù cả hai đều có trình độ và thành tích như nhau (các nghiên cứu đã chứng minh điều này).

Tôi rất vui khi được góp phần thay đổi góc nhìn toàn cầu này. Và đó cũng là lý do chúng ta cần quan tâm đến trẻ em trên toàn thế giới. Một cách thức điển hình là khuyến khích trẻ em hình thành hình tượng nhà khoa học nữ, hoặc giới thiệu cho chúng một hình mẫu. Cá nhân tôi muốn đóng góp vào quá trình thay đổi tình thế hiện nay.

Tôi đã hợp tác cùng nhiều tổ chức toàn cầu (chẳng hạn Ủy ban Phụ nữ Nghiên cứu vấn đề Tăng huyết áp thuộc Hiệp hội Tăng huyết áp Quốc tế), các chương trình cố vấn cho phụ nữ trẻ (chẳng hạn Sáng kiến Cố vấn Phụ nữ Franklin ở Australia), đồng thời phát biểu tại các diễn đàn về sức khỏe phụ nữ, phụ nữ trong lĩnh vực khoa học để tiếng nói của mình được lắng nghe.

Tôi nghĩ trong 5 năm tới, (chúng ta) có thể thấy một số chuyển biến tích cực, trong đó một số quốc gia sẽ tiến bộ hơn những quốc gia khác, dù quá trình này sẽ không diễn ra nhanh.

Chúng ta hiểu tình hình hiện nay đã khác rất nhiều so với những thập kỷ trước. Tôi vô cùng biết ơn những người phụ nữ đi trước đã đấu tranh, giúp tôi và nhiều phụ nữ muốn theo đuổi sự nghiệp có cuộc sống dễ dàng hơn. Và tôi khát khao làm điều tương tự.

– Là một người mẹ, người vợ và nhà khoa học thành đạt, Giáo sư có từng cảm thấy vai trò với gia đình và xã hội có sự mâu thuẫn? Giáo sư vượt qua cảm giác này như thế nào? Bà có lời khuyên nào dành cho những phụ nữ gặp vấn đề tương tự?

Giáo sư Schutte: Lúc nào tôi cũng cảm thấy mâu thuẫn, bị giằng xé giữa (trách nhiệm với) công việc và gia đình. Tôi chắc chắn bản thân không phải người duy nhất, và có lẽ cảm giác này sẽ nhẹ nhõm hơn đôi chút khi các con tôi lớn lên (hiện chúng đã là thanh thiếu niên). Tuy nhiên, điều đó không bao giờ biến mất.

Đại dịch Covid-19 có sự tác động đến tôi ở một mức độ nào đó. Sau đại dịch, việc các học giả nghiên cứu tại nhà dễ được chấp nhận và hiệu quả hơn. Điều đó giúp tôi có mặt khi các con cần, đồng thời đạt năng suất cao trong công việc.

Nhìn chung, tôi nghĩ mọi người cần tập làm quen với những mâu thuẫn hơn là cố cân bằng công việc và cuộc sống một cách hiệu quả. Đôi lúc tôi cân bằng tốt hơn một chút, nhưng thường là thất bại nặng nề! Thật may mắn khi tôi có thể chia sẻ với các thành viên trong gia đình và họ rất ủng hộ tôi.

Lời khuyên của tôi dành cho những phụ nữ khác là hoàn toàn có thể vừa hoàn thành thiên chức làm mẹ, vừa theo đuổi sự nghiệp khoa học. Hãy nghiêm khắc quản lý thời gian của mình (chẳng hạn, tôi không bao giờ làm việc vào thứ bảy hoặc chủ nhật để dành thời gian cho gia đình). Hãy chia sẻ với gia đình bạn và tin rằng “có chí thì nên”. (Tôi thường thấy những phụ nữ trẻ có con nhỏ làm việc nghiên cứu hiệu quả hơn nhiều so với những người khác, vì họ quản lý thời gian tốt hơn và có động lực lớn hướng tới thành công).

Khoa học ở các nước đang phát triển – Cơ hội hợp tác toàn cầu

– Cộng đồng khoa học của Australia và Nam Phi có những khoảng cách nào đáng chú ý (về môi trường làm việc, tài nguyên nghiên cứu, triển vọng việc làm và sự tham gia của phụ nữ…)? Làm thế nào chúng ta có thể xóa bỏ những khoảng cách này? Giáo sư có nghĩ những khoảng cách này sẽ ngày càng thu hẹp theo thời gian?

Giáo sư Schutte: Tôi có trải nghiệm khác biệt đáng kể khi làm việc ở Nam Phi và Australia. Ở Nam Phi, tỷ lệ phụ nữ trong giới học thuật cao hơn Australia, vì họ có những sáng kiến mạnh mẽ thúc đẩy sự công bằng và đa dạng. Tuy nhiên, cộng đồng khoa học ở Nam Phi nhỏ hơn rất nhiều do kinh phí và nguồn lực hạn chế.

Bất chấp khó khăn này, các nhà khoa học Nam Phi vẫn là những người có năng lực cao nhất, như đã được chứng minh trong đại dịch Covid-19 qua cách họ phát hiện biến chủng Omicron nhờ chuyên môn về virus truyền nhiễm, xuất phát từ vị trí dẫn đầu trong các nghiên cứu về HIV.

Khoảng cách giữa các nước phát triển và đang phát triển chỉ có thể thu hẹp khi chính phủ của các quốc gia đang phát triển xác định nhiệm vụ rõ ràng là phân bổ một tỷ lệ GDP nhất định cho khoa học. Một số quốc gia đã đi theo con đường này và đạt được kết quả tốt.

– Làm thế nào chúng ta có thể giải quyết tình trạng người dân ở các quốc gia đang phát triển thiếu sự hiện diện trong khoa học? Chúng ta có thể khuyến khích mọi người theo đuổi ước mơ của họ trong nghiên cứu khoa học như thế nào?

Giáo sư Schutte: Đây là vấn đề phức tạp. Để khuyến khích nhiều người theo đuổi nghiên cứu khoa học, (chúng ta) cần đáp ứng nhiều yếu tố. Như đã đề cập, khoa học cần có sự hỗ trợ từ chính phủ. Các nhà lãnh đạo cần có tầm nhìn và thấu hiểu rằng họ cần cam kết phân bổ tài chính để thành lập các trường đại học và trung tâm nghiên cứu, nơi đào tạo các nhà khoa học. Khoản đầu tư này nhiều lần được chứng minh có thể mang lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế trong dài hạn.

Các quốc gia phát triển cũng thường có động lực mạnh mẽ để hỗ trợ các tổ chức từ những nước đang phát triển, thông qua học bổng, chương trình trao đổi và cơ hội hợp tác nghiên cứu. Song (các quốc gia đang phát triển) cần xây dựng “cơ sở nội địa” có cấu trúc, với các nhà lãnh đạo tận tụy và động lực từ bên trong (local momentum).

Thông thường, các nhà khoa học trẻ triển vọng được cử đến các tổ chức chất lượng để lấy bằng tiến sĩ hoặc nghiên cứu sinh. Vấn đề nằm ở chỗ những cá nhân này thường không trở về quê nhà để thành lập phòng thí nghiệm hoặc trung tâm nghiên cứu riêng, vì không có kinh phí, đồng nghiệp hay môi trường thuận lợi. Do đó, tôi nghĩ cần có sự cân bằng. Các tổ chức trong nước cần được thiết lập hiệu quả và thu hút hợp tác quốc tế, nhằm khuyến khích các chương trình kết nối và trao đổi có lợi cho mọi bên.

– Bà nhận thấy các nhà khoa học tại nước đang phát triển gặp phải những rào cản gì khi kết nối với các đồng nghiệp trên toàn cầu? Nếu có thể, bà muốn thay đổi thách thức nào mà các nhà khoa học tại nước đang phát triển phải đối mặt?

Giáo sư Schutte: Nếu được giải quyết một thách thức, tôi sẽ thay đổi khả năng tiếp cận nguồn tài trợ hạt giống (seed funding) trong quá trình thực hiện nghiên cứu.

Chúng ta cần số lượng nhỏ tiền tài trợ nghiên cứu cơ bản, nhằm phục vụ khởi tạo ý tưởng, nghiên cứu thí điểm, tạo dữ liệu tại địa phương. Ngoài ra, số tiền này còn hỗ trợ các nhà nghiên cứu tới các cuộc họp hoặc phòng thí nghiệm quốc tế, tạo điều kiện cho họ trình bày sáng kiến và mở rộng mối quan hệ, mở ra cơ hội và cách tiếp cận đa dạng thường có trong các cuộc họp toàn cầu.

– Một số thành tựu khoa học vượt bậc tại các nước phát triển đôi khi đắt đỏ và khó áp dụng tại các nước đang phát triển. Bà phải đối diện với tình huống này bao giờ chưa, đặc biệt là với các công trình nghiên cứu về bệnh tim mạch?

– Giáo sư Schutte: Để tạo ra đột phá, cá nhân thường cần có trình độ khoa học xuất sắc, cơ sở vật chất và phòng thí nghiệm hỗ trợ nghiên cứu, cũng như được đào tạo và trang bị tốt nhằm tạo ra những ý tưởng mới lạ.

Hầu hết yêu cầu này đòi hỏi phải có kinh phí mới thực hiện được. Đó là lý do các nhà khoa học ở các nước đang phát triển khó tạo đột phá.

Việc thực hiện nghiên cứu về tim mạch ở châu Phi thật tuyệt, do chúng tôi được tiếp cận với nhóm dân cư đa dạng ở cả khu vực nông thôn và thành thị. Dẫu vậy, khi muốn là nhóm nghiên cứu dẫn đầu, chúng tôi cần nguồn tài trợ lớn từ Vương quốc Anh nhằm hỗ trợ cho quỹ địa phương. Công trình xuất sắc và đột phá về HIV sắp tiến hành ở Nam Phi cũng là nhờ khoản đầu tư khổng lồ và dài hạn từ các tổ chức Mỹ, nhờ đó tạo điều kiện cho những nhân tài đổi mới sáng tạo ngay ở cấp địa phương. Khi nguồn tài trợ dừng lại, thì óc đổi mới cũng vậy.

Thiếu kinh phí thực sự là vấn đề nan giải, và tôi đã phải vật lộn với vấn đề này, khi một quốc gia đang phát triển phụ thuộc vào nguồn tài trợ từ nhóm nước phát triển. Ở đó, chính quyền địa phương dành sự ưu tiên cho phát triển khoa học. May mắn thay, nhiều quốc gia (đang phát triển) cũng đang làm vậy.

Chia sẻ

Chủ đề liên quan tới bài viết - Nhấn vào tag bên dưới để khám phá thêm